(GLO)- 1. Trong giờ dạy kỹ năng sống, tôi đề nghị các em học sinh người Jrai, Bahnar nói về ước mơ của mình. Hầu hết các em chỉ nói chung chung, mong muốn có việc làm ổn định, kiếm được tiền, nuôi sống bản thân và gia đình. Tuy nhiên, tôi và cả lớp rất ấn tượng với câu trả lời của một học sinh nữ đến từ xã Hà Đông, huyện Đak Đoa.
Với giọng nói nhỏ nhẹ, trong 3 phút, em kể về ước mơ trở thành một nhà thiết kế thời trang của mình. Em chia sẻ, ngay từ nhỏ, em đã nói bố mua cho một cái máy may cũ để thực hiện ước mơ này. Sau những giờ lên lớp, em mày mò học hỏi, dần dần tự may được áo quần cho bản thân và mọi người trong nhà. Học hết THPT, em đi học may thêm 4 tháng. Tuy nhiên, em nhận thấy cần phải học hành bài bản, qua trường lớp đàng hoàng mới có thể thành nhà thiết kế. Vậy nên, em đăng ký học ngành may thời trang của Trường Cao đẳng Gia Lai.
Câu chuyện của em thực sự lôi cuốn chúng tôi. Có lẽ là bởi ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang luôn thường trực trong em. Em vẫn luôn háo hức khi nghĩ về nó và ánh mắt chợt ngời sáng khi thấy mọi người chăm chú lắng nghe. Nghe xong câu chuyện, tôi liền nói với học sinh của mình trong niềm khích lệ: “Chúc mừng em! Giấc mơ của em một phần đã trở thành hiện thực, khi em đang ngồi ở đây, là học viên ngành may thời trang tại trường”.
2. Tôi có 2 con nhỏ. Trong câu chuyện với bố mẹ hàng ngày, một đứa luôn bày tỏ ước mơ sau này muốn trở thành thợ sửa xe ô tô, một đứa lại mong mình là bác sĩ. Mỗi lần nghe các con nói về ước mơ, tôi luôn cười vui tỏ sự tán thành, tôn trọng. Với cậu chàng ước mơ mai này lớn lên thành thợ sửa xe ô tô, thi thoảng tôi thường con đến nhà một người bạn-chủ một gara ô tô. Ở đó, con được quan sát, nhận biết những loại xe khác nhau, được thấy cả sự cần cù, chăm chỉ, vẻ lấm lem dầu mỡ của nói chuyện với những người thợ. Tôi nói với con, trở thành một thợ sửa ô tô không khó, nhưng để là một người thợ giỏi, nghe tiếng máy biết xe hư gì, sửa ở đâu... thì không phải 1 ngày là làm được, buộc con phải học hành nghiêm túc và làm hết trách nhiệm của mình. Biết chuyện, nhiều bạn bè cũng hỏi tôi, con đang nhỏ vậy, định hướng nghề nghiệp có quá sớm không? Tôi thì nghĩ, cũng không sớm, bởi lẽ, sự yêu ghét đã được định hình trong cá tính của con trẻ ngay từ khi mới sinh ra. Nếu con dành cả đời để làm một điều gì đó, nhất định con sẽ trưởng thành, giỏi giang.
Các em học sinh tham quan triển lãm tại hội thi vẽ tranh chủ đề “Ước mơ của em” do Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức. Ảnh: Thủy Bình |
3. Có mấy ai sống được với ước mơ của mình? Có mấy ai dám từ bỏ những thứ mình quen thuộc để bước đến những ước mơ mà mọi người cho là lạ lùng. Vậy mà, A.Maslow-nhà tâm lý học người Mỹ đã đặt nhu cầu tự thể hiện bản thân, sống với ước mơ ở bậc nhu cầu cao nhất, trên ăn uống, an toàn, yêu thương, tôn trọng. Và khi được làm việc với ước mơ thì có khó khăn đến mấy, cũng sẽ có cách để vượt qua.
Tôi nhớ trong bộ phim tài liệu về cuộc đời của doanh nhân Trần Bá Dương-người sáng lập và là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO), ông kể về ước mơ có một xưởng cơ khí nhỏ. Hiện nay, THACO đã trở thành một tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế nước ta, tạo việc làm cho nhiều lao động. Tôi thường lấy ví dụ này để dạy con và trao đổi với học sinh của mình, từ đó khơi gợi cho các em biết nuôi dưỡng ước mơ.
Một ngôi nhà lớn được xây từ những viên gạch nhỏ. Chính vì vậy, để chạm tay tới ước mơ thì cần được nhen nhóm từ hôm nay. Và khi con trẻ kể về ước mơ của chúng, thiết nghĩ các bậc cha mẹ cần động viên, hướng dẫn, đặt từng viên gạch đầu tiên để con bước từng bước nhỏ đến ước mơ của mình.
MINH UYÊN