Ngoài việc kiếm tiền bằng nuôi kiến lửa, một số bạn trẻ còn có lượt theo dõi lớn trên mạng xã hội, nhờ đó mà thu nhập tăng thêm đáng kể.
Nuôi kiến không quá tốn kém vì thức ăn chỉ là nước đường và thịt côn trùng. Tuy nhiên, người nuôi phải đầu tư nhiều công sức từ khâu đi tìm bắt cho đến xây dựng bể nuôi kiến (hay còn gọi là tank).
Tổ kiến Camponotus albosparsus. Ảnh: NVCC |
Kinh nghiệm theo thời gian
Đỗ Cao Minh (25 tuổi), ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM đang nuôi hàng chục con kiến lửa Solenopsis geminata và 1 tổ kiến thợ mộc Camponotus albosparsus (1 kiến chúa và tầm 30 thợ)…
Làm trong lĩnh vực thiết kế nội thất nhưng Minh có niềm đam mê nuôi kiến từ năm 2016 sau khi đọc một bài viết trên mạng xã hội. Minh bắt được con kiến chúa đầu tiên, nhưng nuôi không thành công vì không biết cách cho nó giao phối. Quyết không bỏ cuộc, Minh tìm bắt con kiến chúa khác và nuôi thành công.
Từ đó đến nay, Minh thường tìm bắt kiến trong rừng, dưới cột đèn đường hay sau cơn mưa đầu mùa. “Kiến sinh sản tự nhiên, không phối nhân tạo được. Do đó, tôi thường bắt kiến chúa đã phối rồi và đang trong quá trình tìm chỗ đào, nếu kiến đã rụng cánh thì 90% là đã giao phối...”, Minh nói.
Theo Minh, kiến chúa mà anh tìm được trong nhà là kiến đen, kiến hôi, kiến lửa. Đối với những loài này, chỉ cần bỏ vô ống nghiệm rồi để đó khoảng 1 tháng trở lên là nó đẻ mà không cần ăn và sẽ ra thợ đời đầu.
Nếu không phân biệt được loài kiến, Minh chụp hình rõ, sau đó đăng lên các group nuôi kiến của nước ngoài để hỏi và chia sẻ kinh nghiệm. “Tuy nhiên, nhiều khi họ chỉ phân biệt được chi, khi đó mình tự tra ra loài. Kinh nghiệm theo thời gian sẽ giúp hình dung được chi của kiến theo vóc dáng của nó”, Minh nói.
Minh cho hay mình thu về từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng khi bán được một tổ kiến gồm 1 chúa và hơn 20 thợ. Trong đó, 1 tổ kiến có giá trị là kiến chúa được nuôi dưỡng từ lúc chưa có tổ và tổ kiến phải được 15 thợ trở lên. Theo anh, hiện nay nhiều người có nhu cầu mua kiến về nuôi và chơi. Họ chăm sóc và xem kiến như một thú cưng.
Minh có kinh nghiệm chơi kiến nhiều năm |
Cũng theo chàng trai 9X này, bể nuôi kiến rất đa dạng và luôn phải được chia ra 2 khu vực: Khu vực tổ có dạng đứng, nằm, cho kiến tự đào (dạng đất) và khu vực cho ăn uống. Để có thêm thu nhập, Minh còn tự tay làm bể từ ly nhựa, hộp nhựa trong suốt, đổ thạch cao vô rồi đục lỗ để nuôi kiến.
Minh cho biết: “Bể đẹp hay không còn tùy vào mắt thẩm mỹ mỗi người. Một số người thậm chí còn nối ống lòng vòng trên tường nhà cho kiến đi mà không bò ra ngoài. Một tank chất lượng phải có chỗ để cấp nước tạo ẩm nhưng không được làm ngập tổ, trào ra ngoài...”.
Thu hút hàng triệu lượt xem trên TikTok
Còn hai anh chàng 9X ở Hà Nội là Trần Văn Nam và Bùi Ngọc Cường (đều 22 tuổi), cùng học chuyên ngành về điện, đã lập một kênh TikTok để chia sẻ cách nuôi kiến. Các video của hai anh thu hút hàng triệu lượt xem trên TikTok.
Nuôi kiến trong tank |
Hiện Nam và Cường sở hữu 1 đàn Yellow Crazy Ant 2 chúa và khoảng 400 quân; 1 Foreli 3 chúa và khoảng 600 quân; 1 đàn Trap Jaw 1 chúa và khoảng 100 quân.
“Chúng tôi có sở thích nuôi kiến từ khoảng nửa năm trước, khi tình cờ xem một livestream về chúng của một người anh. Tôi thấy kiến có nhiều tập tính đáng để học hỏi, đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm và tính kỷ luật cực cao”, Nam nói.
“Ban đầu, tôi chọn nuôi thử một trong những dòng dễ nuôi nhất là Foreli. Tôi thấy việc nuôi khá thuận lợi vì chỉ cần tuân thủ các quy tắc về nhiệt độ, thức ăn cho kiến… là có thể nhân đàn và đàn sống khỏe. Mỗi ngày, tôi chỉ cần dành ra 10 - 15 phút để chăm sóc”, Nam cho hay.
Ngoài việc mỗi tháng có thêm thu nhập từ bán kiến thì điều khiến Nam vui nhất là được nhiều người “thả tim” trên mạng xã hội.
Cường và Nam (bên phải). Ảnh: NVCC |
“Kiến không có giá trị gì nhiều đối với những người không biết và không muốn nuôi nó, nhiều khi làm video trên TikTok, các bạn hỏi là: “Mình đuổi còn không hết còn bày đặt nuôi để làm gì?”... Tôi thấy ban đầu nó chỉ là thú vui thôi nhưng dần dần trở thành đam mê. Và đam mê này cũng có thể tạo ra được những thu nhập khác nhờ vào mạng xã hội”, Nam nói.
Cũng vừa mới tậu cho mình một đàn kiến lửa hơn 20 con với giá gần 800.000 đồng (gồm kiến và bể cỡ lớn), anh Nguyễn Hoài Thêm, 27 tuổi, ngụ hẻm 163 Thành Thái, P.14, TP.HCM, chia sẻ anh mua chúng vì thấy gần đây thú chơi kiến được nhiều người quan tâm.
Kiến chúa được nuôi dưỡng trong ống nghiệm |
“Lúc đầu mua về tôi cũng khó khăn trong cách chăm sóc, nhưng dần thì quen thôi. Nhìn đàn kiến vui chơi, tự đào tổ trong bể khiến tôi vui lắm, giảm stress mỗi khi công việc căng thẳng”, anh Thêm nói.
Còn anh Lê Văn Trọng, 38 tuổi, ở Bình Dương cũng đã mua một đàn kiến cảnh nhỏ giá chưa đến 1 triệu đồng cho con trai lớp 11 của mình chơi. Anh Trọng cho hay con anh biết đến kiến cảnh thông qua các trang mạng xã hội.
“Tôi thấy kiến cảnh có nhiều dòng, màu sắc đa dạng. Chơi kiến giúp con hạn chế tiếp xúc với các trò điện tử từ điện thoại. Ngoài ra, không đơn thuần là một thú vui tiêu khiển, trò chơi thực tế này không khác gì một bài học sống động về môi trường sinh thái, khám phá thiên nhiên như xem được kiến săn mồi, chăm đàn. Quan sát tập tính của nó và hiểu về đời sống... Từ đó, giúp con nghiên cứu, tìm hiểu khám phá những điều mới lạ trong cuộc sống sinh tồn của loài kiến nhỏ bé”, anh Trọng nói.
Theo Tấn Đạt (TNO)