(GLO)- Cách đây 5 năm, ông Phan Đình Hanh (thôn 4, xã Ia Krai, huyện Ia Grai, Gia Lai) quyết định bán hết đàn bò rồi gom tiền vào Đồng Nai mua 3 con nai xám trị giá 78 triệu đồng đem về nuôi lấy nhung. Đến nay, “nghề phụ” này mang về cho gia đình ông khoản thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Ông Hanh cho hay: Trước khi bắt tay nuôi nai xám lấy nhung, tôi đã tìm hiểu kỹ lưỡng qua báo đài cũng như trực tiếp đến các trang trại chăn nuôi loài động vật này để học hỏi kinh nghiệm. Nhiều người biết ý định của tôi cũng can ngăn vì trước đó ở địa phương chưa từng có ai nuôi nai xám lấy nhung. Nhưng sau 5 năm nuôi nai xám, gia đình tôi đã thu được thành phẩm là nhung nai bán ra thị trường. Hiện tại, đàn nai của gia đình tôi đã phát triển lên 8 con (5 con đực và 3 con cái). Dự tính, cuối năm nay, nai cái sẽ đẻ thêm 3 con. “Với giá bán hiện tại khoảng 10 triệu đồng/kg nhung, năm nay, gia đình tôi sẽ thu được gần 100 triệu đồng từ bán nhung nai. Nguồn thu này chắc chắn sẽ tăng trong những năm tới”-ông Hanh nói.
Ông Phan Đình Hanh chăm sóc đàn nai xám của gia đình. Ảnh: Phan Thương |
Cũng theo ông Hanh, nai xám là loại động vật hoang dã rất dễ nuôi, lượng thức ăn chỉ bằng 1/3 so với nuôi bò mà tuổi thọ lại lâu hơn. Nuôi bò tốn nhiều thời gian chăn dắt, trong khi đó, nuôi nai xám chỉ cần bỏ ra 2 giờ/ngày cho nai ăn. Một con nai đực từ lúc sinh ra đến thời kỳ cho nhung khoảng 24 tháng. Trong thời gian đó, để tăng sức đề kháng cho nai, ngoài thức ăn là cây cỏ cần bổ sung thêm tinh bột. Để huyết nhung đạt chất lượng tốt, người nuôi nai cần chú ý cắt nhung trong khoảng thời gian 60-70 ngày từ khi nai đực nhú nhung. Nếu quá 70 ngày mới cắt thì huyết nhung sẽ kém đi. Thời điểm nai cho nhung đạt chất lượng cao nhất là từ 7 năm tuổi trở đi.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm nuôi nai, ông Hanh cho biết: Nai xám là động vật hoang dã, đặc tính nhút nhát nên cần được nuôi trong khu vực yên tĩnh. Chuồng trại nuôi phải chắc chắn, sạch sẽ; con đực cần diện tích rộng hơn con cái và mỗi con cần được nhốt riêng một chuồng. “Sau thời gian nuôi thử nghiệm và bước đầu thành công, tôi mong sẽ có nhiều gia đình ở địa phương nuôi nai xám lấy nhung để thuận lợi cho việc thành lập một tổ hợp tác nuôi nai, từ đó đảm bảo đầu ra và nâng cao giá trị của sản phẩm nhung nai trên thị trường”-ông Hanh nói thêm.
Ngoài nuôi nai xám lấy nhung, từ năm 2011, gia đình ông Hanh còn trồng xen 200 cây bơ booth, bơ sáp trong vườn cà phê. Theo ông Hanh, nếu trồng nhiều loại cây phù hợp và có giá trị kinh tế trên cùng một diện tích đất sẽ cho thu nhập cao hơn so chuyên canh một loại cây trồng. Hiện nay, mô hình trồng bơ xen cà phê đem lại cho gia đình ông nguồn thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.
Trao đổi với P.V, ông Ksor Thuyn-Chủ tịch UBND xã Ia Krai-cho biết: Từ lúc ông Hanh mang nai xám về nuôi, xã đã theo dõi sát sao và đánh giá đây là loài vật dễ nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương. Nuôi nai xám lấy nhung mang lại hiệu quả kinh tế cao so với vật nuôi khác. Trước mắt, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn về nuôi nai xám lấy nhung cũng như đưa người dân tham quan mô hình của gia đình ông Hanh. Sau đó, tùy thuộc vào điều kiện của từng hộ dân, chúng tôi khuyến khích bà con phát triển và nhân rộng mô hình này.
Phan Thương