Kinh tế

Nông nghiệp

Nuôi trâu làm giàu cơ nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây hơn 40 năm, các hộ dân tộc Tày, Nùng từ một số tỉnh phía Bắc vào xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lập nghiệp đã mang theo tập quán chăn nuôi trâu để phục vụ sản xuất. Về sau, người dân chuyển sang nuôi trâu thương phẩm để phát triển kinh tế gia đình.

Mưa kéo dài mấy ngày khiến anh Nguyễn Văn Tảo (làng Trường Sơn) không thả 12 con trâu ra đồng ăn cỏ như thường ngày mà nhốt trong chuồng chăm sóc. Anh cắt cỏ, bỏ rơm khô và bổ sung nước cám có pha muối khoáng để trâu được ăn no và tăng sức đề kháng.

Để đàn trâu sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, anh Tảo thường xuyên dọn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; giữ cho chuồng thoáng mát về mùa hè, ấm áp vào mùa đông; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để ngừa dịch bệnh.

Ngoài chăn thả ngoài đồng, anh tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp như ngọn mía, cây bắp, cây chuối, rau củ làm thức ăn cho trâu nhằm giảm chi phí. Mỗi năm, gia đình anh thu gần 100 triệu đồng từ tiền bán trâu thương phẩm.

Anh Tảo cho biết: Năm 1980, gia đình anh từ tỉnh Thái Nguyên vào Kbang lập nghiệp. 3 năm sau, bố mẹ anh đã mua được 1 con nghé để duy trì tập quán nuôi trâu của người Tày. Vùng này nguồn thức ăn cho trâu dồi dào, thời tiết phù hợp cho trâu sinh trưởng, phát triển.

“Năm 2016, tôi bán 5 con trâu với giá 40-50 triệu đồng/con thu về hơn 200 triệu đồng. Số tiền này cộng với hơn 100 triệu đồng tích lũy trước đó, tôi đầu tư xây dựng ngôi nhà khang trang. Mỗi khi cần số tiền lớn sắm sửa đồ đạc hay lo tiền học cho các con, tôi đều bán trâu giải quyết công việc, không phải vay mượn”-anh Tảo cho hay.

nhieu-ho-dan-tren-dia-ban-xa-to-tung-huyen-kbang-phat-trien-kinh-te-lam-giau-tu-nuoi-trau-thuong-pham-anh-ngoc-minh.jpg
Nhiều hộ dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) phát triển kinh tế, làm giàu từ chăn nuôi trâu. Ảnh: N.M

Bên cạnh việc duy trì mô hình nuôi trâu thương phẩm, anh Tảo còn chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi trâu cho nhiều hộ dân trong làng và cho 2 hộ nuôi rẽ 3 con trâu.

“Tôi cho chị Trương Thị Thúy nuôi rẽ 2 con trâu từ năm 2018 đến nay. Nhờ chăm sóc tốt, trâu mẹ sinh sản đều nên gia đình chị Thúy đã có 8 con trâu, vươn lên thoát nghèo”-anh Tảo phấn khởi kể.

Cũng duy trì tập quán chăn nuôi trâu và siêng năng chăm chỉ mà vợ chồng bà Dương Thị Minh (làng Cao Sơn) có cuộc sống khá giả. Năm 1984, gia đình bà Minh rời quê hương Cao Bằng vào xã Tơ Tung lập nghiệp.

Chắt chiu sau bao mùa vụ, bà Minh mua được con trâu cái. Nhờ chăm sóc tốt, hơn 1 năm sau, trâu mẹ đẻ nghé con. Đến nay, gia đình nuôi 6 con trâu cái, 3 con nghé và 4 con trâu đực.

“Nhờ nuôi trâu mà tôi xây nhà, mua đất sản xuất, mua máy cày, máy gặt đập liên hợp và lo cho 4 đứa con ăn học. Hiện tôi có 7 ha mía, 3 sào lúa, 5 sào cỏ voi và 1,5 ha đất làm bãi chăn thả trâu.

Chất thải từ chăn nuôi, tôi thu gom làm phân bón cho lúa, mía và vườn cỏ voi. Cách làm này giúp đất tơi xốp, cây trồng phát triển, cho năng suất cao”-bà Minh tâm sự.

khong-kho-bat-nhung-dan-trau-duoc-nguoi-dan-xa-to-tung-chan-tha-tren-canh-dong-anh-ngoc-minh.jpg
Đàn trâu được người dân xã Tơ Tung chăn thả trên cánh đồng. Ảnh: Ngọc Minh

Làng Cao Sơn có 123 hộ là người dân tộc Tày, Nùng. Làng có 98 hộ chăn nuôi gần 340 con trâu. Bà Lãnh Thị Hòa-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Cao Sơn-chia sẻ: Từ lâu, con trâu đã gắn bó với người nông dân nơi đây. Có thời điểm đàn trâu lên đến 600-700 con. Mấy năm gần đây, tuy giá bán trâu xuống thấp và không còn nhiều bãi chăn thả tự nhiên như trước, nhưng bà con vẫn duy trì đàn trâu; nhà ít cũng vài ba con, nhà nhiều thì hơn chục con.

Nuôi trâu giống như tiết kiệm, khi cần bán vài con là đủ tiền sửa sang nhà cửa, mua sắm vật dụng trong gia đình, lo tiền học cho con cái. Vì vậy, trâu vẫn là vật nuôi được bà con lựa chọn, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Làng Cao Sơn hiện chỉ còn 6 hộ nghèo, giảm 5 hộ so với năm 2023.

Trò chuyện với P.V, ông Hồ Xuân Dương-Chủ tịch UBND xã Tơ Tung-cho hay: Nhằm duy trì và phát triển đàn trâu, ngoài việc chăn thả tự nhiên, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tận dụng diện tích đất ven ruộng, chân đồi, dọc suối, trong vườn nhà để trồng cỏ voi, bắp sinh khối bổ sung nguồn thức ăn cho vật nuôi.

Những năm qua, xã chú trọng công tác phòng ngừa dịch bệnh để đàn trâu phát triển ổn định. Toàn xã hiện có hơn 1.550 con trâu.

“Xã chỉ đạo công chức nông nghiệp thường xuyên xuống các thôn, làng hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, chế độ dinh dưỡng cho đàn gia súc, vệ sinh chuồng trại và làm tốt công tác phòng-chống dịch bệnh. Qua đó, đàn trâu của xã phát triển tốt, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đem lại thu nhập ổn định cho hộ chăn nuôi”-ông Dương cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm