Bạn đọc

"Ở nhà tích cực"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với tinh thần “Ai ở đâu ở yên đó”, những ngày TP. Pleiku thực hiện Chỉ thị 16, nhiều người đã tìm cho mình ý nghĩa tích cực từ khoảng thời gian ở nhà để chung tay chống dịch Covid-19.
Ở nhà không khó
Đi là nhu cầu cố hữu của các nhiếp ảnh gia để săn tìm những bức ảnh đẹp. Vì vậy, khi buộc phải ở yên một chỗ, nhiều người cảm thấy vô cùng bí bách. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hùng Hoa Lư cũng không ngoại lệ. Nhưng ông nhanh chóng tìm cho mình một thú vui bổ ích và không kém phần thiết thực, thể hiện trách nhiệm của người nghệ sĩ trước thực tế đời sống. Thay vì ra đường, ông cho flycam “đi” giùm, như cặp mắt nhìn ra cuộc sống bên ngoài và ghi lại mọi thứ. “Cố thủ” trong nhà nhưng thông qua những dòng trạng thái, hình ảnh, clip trên Facebook của ông, nhiều người nắm bắt được khung cảnh và tinh thần chống dịch của thành phố. Ông viết: “Năm nào ngày 2-9 vẫn rộn ràng đường phố. Tiếng nói cười, tiếng xe máy gầm rú, tiếng bước chân… Bao nhiêu âm thanh vang vọng. Năm bảy thợ chụp ảnh chạy ngược chạy xuôi. Năm nay dịch bệnh, lần đầu tiên thực hiện chỉ thị ở yên trong nhà là yêu nước. Chiến tranh bằng vũ khí súng đạn không như cuộc chiến này, nguy hiểm thật”; “Nhà cửa khép kín! Đường phố Pleiku ngày thứ 3 vắng lặng tuyệt vời. Không có chốt chặn nhưng ý thức Nhân dân quá tốt! Ở yên trong nhà!”. 
Những con đường ở Pleiku vắng bóng người xe trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16 qua góc máy của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hùng Hoa Lư. Ảnh do nhân vật cung cấp
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hùng Hoa Lư chia sẻ: Từ lúc Pleiku thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 và đến giờ là Chỉ thị 16, mỗi ngày, ông còn dành thời gian dựng clip về các thắng cảnh đã quay trước đó nhằm giới thiệu các điểm đến hấp dẫn ở Gia Lai, nhất là hệ thống thác ghềnh với lời nhắn nhủ: “Chuẩn bị hết dịch đi du lịch nhé bà con”. Mỗi clip có thời lượng chỉ khoảng 2 phút nhưng trải ra những góc quay rất đẹp, sinh động về các con thác là điểm nhấn du lịch như: Lệ Kim, Chín Tầng (huyện Ia Grai), thác làng Grang, thác Ia Drăng 1, Xung Khoeng, Nhà Thương (huyện Chư Prông), thác Kueng O, Phú Cường (huyện Chư Sê)…
Bên cạnh đó, nhiều người cũng tận dụng khoảng thời gian giãn cách để nâng cao sức khỏe bằng cách tập luyện các môn thể thao. Cô Nguyễn Thị Thu Hương-giáo viên Âm nhạc Trường THCS Phạm Hồng Thái (xã Ia Krai, huyện Ia Grai) duy trì việc tập yoga đều đặn 1-1,5 giờ mỗi ngày. Do phải đi dạy xa nhà đến 50 km, con nhỏ, không thể theo học các lớp yoga nên gần 2 năm nay, cô tự tập ở nhà. Ban đầu là những bài tập đơn giản, sau đó nâng dần độ khó. Bộ môn này giúp cô cải thiện chứng đau lưng và cảm vặt, thể lực ngày một tốt hơn. Ngoài ra, cô còn đăng ký một khóa học piano online để nâng cao trình độ chuyên môn. Những khi lướt tay trên phím đàn cũng là lúc cô vừa thư giãn, giải trí, vừa mang lại không khí ấm áp cho cả gia đình. Với cô Hương, những hoạt động tại nhà ấy chính là cách thiết thực để chung tay chống dịch. 
“Khoảng thời gian tuyệt vời dành cho gia đình”
Dành thời gian chơi cùng con, chăm sóc gia đình cũng là lựa chọn của nhiều người trong những ngày này. Vừa hoàn thành một “ngôi nhà” cho các con, nhà điêu khắc Nguyễn Vinh tươi cười cho hay: Nhà làm bằng mấy tấm toan cũ ghép lại. Sau đó, 3 cha con cùng nhau sơn vẽ đẹp mắt. “Căn nhà trước đó làm bằng bìa các tông đã rách rồi, làm kiểu này bền hơn”-anh hào hứng. Các con anh đều ở độ tuổi mầm non đã tỏ ra vô cùng hạnh phúc khi được cha mẹ chơi cùng. Chúng gọi đây là “ngôi nhà chống dịch”.
"Ngôi nhà" mà nhà điêu khắc Nguyễn Vinh làm tặng các con trong thời gian giãn cách. Ảnh do nhân vật cung cấp
Trước đó, để kéo con trẻ ra khỏi ti vi, điện thoại, nhà điêu khắc này cũng hướng con đến những hoạt động lý thú tại nhà như tập vẽ. “Các con thích gì vẽ nấy, tôi không hướng dẫn gì mà chỉ trả lời khi con hỏi cách pha màu, phối màu. Tôi muốn giữ cho các con sự hồn nhiên, ngây thơ nên không gán ghép, áp đặt”-anh Nguyễn Vinh chia sẻ. Bằng những nét vẽ thơ trẻ, sáng tạo, các bức tranh về công chúa, máy trộn hồ... của các con anh nhận được nhiều lời khen ngợi.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang (353 Lý Thái Tổ, TP. Pleiku) cũng đã biết cách tận dụng khoảng thời gian này để chăm sóc bữa ăn gia đình. Chị cho hay, trước đó, công việc bán hàng online khá bận rộn nên chị ít đầu tư nấu nướng. Từ lúc trở thành “tỷ phú” thời gian, chị vào bếp nấu ăn, đổi món hàng ngày, tay nghề nâng cao thấy rõ. Ngoài ra, chị còn học bí quyết làm các loại bánh để thỏa nhu cầu ăn vặt của các con. Có những loại chưa từng làm như: bánh flan, bánh bao, bánh mì cuộn len, paparoti… nhưng chị vẫn bắt tay vào làm một cách hào hứng. Được mẹ dành toàn thời gian ở bên, chăm sóc kỹ lưỡng từng bữa ăn, 2 con chị rất thích thú. Chị Trang kể: “Mỗi khi tôi nấu bữa ăn ngon hay làm xong một loại bánh mới, các con lại khen: “Mẹ giỏi quá, mẹ là siêu đầu bếp, cái gì mẹ cũng biết nấu”. Với tôi, đó là niềm hạnh phúc trong mùa dịch này”. 
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm