Tỉnh Quảng Nam lên phương án ứng phó các tình huống thiên tai trên địa bàn. Trong ảnh: Lực lượng chức năng hỗ trợ di dời người dân xã biển Tam Thanh, TP. Tam Kỳ đến nơi an toàn trước khi bão Noru đổ bộ tháng 9/2022. Ảnh: Hoài Văn |
Theo đó, phương án ứng phó được chi tiết theo các cấp độ rủi ro đối với các tình huống ngập lụt, sạt lở đất, ứng phó bão, siêu bão. Phương án phê duyệt được phổ biến cho các địa phương trên địa bàn để chủ động trong mùa mưa bão.
Cụ thể, ứng phó với tình huống gió, nước biển dâng do bão mạnh siêu bão, các địa phương trong tỉnh tiến hành di dời, sơ tán dân. Theo dự kiến, với tình huống xuất hiện bão mạnh sẽ sơ tán 189.673 người dân, nếu có siêu bão thì tổng số người sơ tán di dời là 397.496.
Địa điểm người dân đến tránh bão là các trường học, trụ sở các cơ quan hoặc nhà dân kiên cố. Có thể sơ tán tập trung hoặc xen ghép.
Huyện miền núi tỉnh Quảng Nam từng gánh chịu thiệt hại nặng nề từ sạt lở đất. Trong ảnh: Hiện trường vụ sạt lở vùi lấp cả ngôi làng Trà Leng, huyện Nam Trà My tháng 10/2020 khiến 9 người chết, 13 người đến nay vẫn còn mất tích
Đối với tình huống xuất hiện lũ, ngập lụt, tỉnh Quảng Nam người dân sẽ sơ tán đến các địa điểm cao như trường học, trụ sở UBND, trạm y tế, gò đồi.
Số lượng người dân phải di dời tăng lên tương ứng với 3 cấp độ rủi ro. Ở cấp độ rủi ro 1 dự kiến có hơn 4.300 người di dời xen ghép và hơn 3.000 người được đưa đến nơi sơ tán tập trung. Cấp độ rủi ro thứ 2 có hơn 29.000 người sơ tán xen ghép, gần 22.000 người sơ tán tập trung. Cấp độ rủi ro cao nhất thì số người buộc phải sơ tán hơn 38.600 người xen ghép và 92.000 người sơ tán tập trung. Các địa phương dự kiến phải di dời dân khi có lũ, ngập lụt tập trung nhiều ở các địa phương gồm: Duy Xuyên, Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Phước Sơn, Tiên Phước, Phú Ninh, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành, Bắc Trà My, Nam Giang, Hiệp Đức, Quế Sơn, Tây Giang.
Tình huống sạt lở đất, số người phải thực hiện di dời, sơ tán khoảng 17.000 người dưới 2 hình thức xen ghép hoặc tập trung. Khu vực có nguy cơ sạt lở đất tập trung các địa phương miền núi gồm: Tây Giang, Hiệp Đức, Bắc Trà My, Nam Trà My, Đông Giang, Nam Giang, Hiệp Đức, Tiên Phước và các huyện khác như Núi Thành, Phú Ninh, Đại Lộc, Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn.
Ngoài ra, địa phương này lên phương án dự trữ hàng nghìn tấn lương thực thực phẩm phòng chống thiên tai bao gồm mỳ tôm, lương khô, gạo, nước uống đóng chai; thuốc, vật tư y tế, và nhiên liệu.
Quảng Nam cũng lên phương án cụ thể vị trí neo đậu tàu thuyền của ngư dân đảm bảo an toàn. Các điểm neo đậu được bố trí tại các âu thuyền Cù Lao Chàm (200 tàu), Hồng Triều (500-600 tàu), An Hòa (100-300 tàu); các điểm neo đậu khác có tàu thuyền của ngư dân như ở Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, Tam Kỳ.
Nhân lực huy động phòng chống thiên tai tại tỉnh Quảng Nam dự kiến hơn 29.500 người thuộc Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, lực lượng vũ trang, thanh niên xung kích…
Tỉnh Quảng Nam hỗ trợ các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ, với tổng kinh phí 22 tỷ đồng.
Theo đó, hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng mỗi địa phương 2 tỷ đồng; hỗ trợ 17 tỉnh, thành phố gồm Thái Bình, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Cao Bằng, Lào Cai, Hải Dương, Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nội mỗi địa phương 1 tỷ đồng. Ngoài ra, hỗ trợ 1 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh cho Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
Quảng Nam cũng thành lập 2 đoàn công tác đến thăm hỏi, chia sẻ, hỗ trợ kinh phí các tỉnh, thành phố nêu trên.
Theo Hoài Văn (TPO)