Lần đầu tiên tôi đến với làng Đê Kôn là vào cuối mùa mưa năm 2020. Thời điểm ấy, ngôi làng này vẫn được mọi người ví như một “ốc đảo” vì giao thông cách trở. Cách quốc lộ 19 chỉ 6,6 km nhưng đường vào làng là đường đất, hai bên là núi cao nên vào mùa mưa bị sạt lở khiến giao thông tắc nghẽn. Chúng tôi phải mượn hai sợi dây xích quấn vào bánh xe để giảm trơn trượt nhưng cũng chỉ đi được nửa chặng đường thì phải gửi xe để lội bộ. Con đường vào làng Đê Kôn như sợi dây rừng quanh co bám vào vách núi, bên dưới là vực sâu. Cũng vì giao thông cách trở nên làng Đê Kôn rất hoang sơ, đời sống người dân vô cùng nghèo khó, chủ yếu tự cung tự cấp. Nông sản làm ra rất khó bán hoặc bán với giá thấp nên làng Đê Kôn có 56 hộ (100% là người Bahnar) thì có đến 23 hộ nghèo, 17 hộ cận nghèo.
Ông Yung-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Ra-cho biết: “Những năm trước, do đường sá vào làng khó khăn nên Đê Kôn gần như biệt lập giữa núi rừng. Việc thiếu đường giao thông đã khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc học tập của con em trong làng và khám-chữa bệnh của người dân. Nhiều trường hợp đã tử vong vì không được cấp cứu kịp thời”.
Các giáo viên khi vào làng Đê Kôn (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) giảng dạy không còn phải vất vả như ngày trước. Ảnh: Lê Anh |
Đó là chuyện buồn của những năm về trước. Trở lại Đê Kôn trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi hân hoan khi được đi trên con đường bê tông sạch đẹp. Các công trình điện thắp sáng, trường học, hệ thống nước giọt… của làng cũng được xây dựng kiên cố. Xung quanh làng là màu xanh tràn đầy sức sống của những vườn cà phê, bời lời, cây ăn quả. Thấp thoáng trên nền xanh ấy là những ngôi nhà sàn, nhà xây lợp mái đỏ khang trang.
Có được sự đổi thay đó là nhờ Dự án mở đường vào làng Đê Kôn dài 6,6 km nối từ quốc lộ 19. Tuyến đường này đi qua địa phận các làng Jơ Long, Bok Ayol, Kdung và kết thúc ở làng Đê Kôn, tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp B với tổng kinh phí 34 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Sau một thời gian thi công, cuối năm 2022, con đường đã hoàn thành trong niềm vui sướng của dân làng Đê Kôn.
Cô Lê Thị Trang Thi-giáo viên Trường Mẫu giáo Hà Ra-Phân hiệu làng Đê Kôn-vui mừng cho biết: “Năm 2010, tôi đã từng vào đây công tác. Dù cách trung tâm xã không xa nhưng đi lại rất khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa. Khi đó, để đến lớp, tôi phải gửi xe ở làng Kdung rồi đi bộ mất hơn 2 giờ đồng hồ. Đầu năm 2023, khi tôi trở lại đây công tác thì con đường đã hoàn thành, đi lại rất thuận tiện, chỉ hơn 20 phút chạy xe máy là tới nơi. Cũng nhờ con đường này mà các em học sinh khi đến bậc THCS ra trung tâm xã học thuận tiện hơn rất nhiều”.
Con đường bê tông mới cũng đã mở lối cho người dân phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo. Bà Jrep cho hay: “Ngày trước, khi chưa có con đường, việc sản xuất của người dân gặp khó khăn vì giá cả các loại phân bón, cây-con giống khi đưa đến làng đều đắt đỏ, người dân không đủ tiền mua. Các sản phẩm làm ra thì giá bán thấp vì phải trừ các khoản chi phí vận chuyển. Bây giờ có đường giao thông thuận lợi, các mặt hàng đưa đến làng bán rất phong phú với giá rẻ hơn nhiều, việc tiêu thụ nông sản cũng dễ dàng và giá cả cao hơn so với trước. Chúng tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư làm con đường này để giúp người dân thuận lợi trong việc đi lại, giao thương buôn bán hàng hóa”.
Với việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, bộ mặt nông thôn của làng Đê Kôn đã có diện mạo mới. Ảnh: Lê Anh |
Sau khi con đường hoàn thành, người dân làng Đê Kôn đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất mà không còn phải lo lắng về đầu ra hay bị ép giá sản phẩm. Phó Chủ tịch UBND xã Hà Ra thông tin: “Làng Đê Kôn có tổng diện tích gieo trồng hơn 110,8 ha. Sau khi con đường hoàn thành, người dân đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. Hiện nay, ngoài diện tích lúa nước, mì, bắp, dân làng đang tập trung phát triển các loại rau, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, bời lời, bạch đàn, keo… Những loại cây trồng này đang mang lại tín hiệu khả quan”.
Trao đổi với P.V, ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-cho biết: Việc hoàn thiện con đường có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống của dân làng Đê Kôn. Trong thời gian tới, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư cho làng Đê Kôn để giúp người dân bứt phá vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.