Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

"Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi yêu tiếng Việt bắt đầu từ những câu hát rất đỗi thân thương mà má vẫn thường hát ru anh em tôi. Đó là những khúc hát “à ơi” ngọt ngào như dòng sữa mẹ. Đó là những câu hát giao duyên, hát huê tình dưới bóng mát của lũy tre làng, hát đối trước sân đình hay những điệu hò dưới ánh trăng thanh trong những đêm ra đồng gặt lúa… Những câu hát ru có hình bóng cánh cò bay lả bay la, cánh đồng rực màu lúa chín, dòng sông êm ả trôi, con đò dưới bến nước quê hương hay nhịp cầu tre êm đềm lắt lẻo. Lời ca của má như mạch nước ngầm trong vắt tưới mát tâm hồn tôi. Hạnh phúc nhất trong cuộc đời chúng ta hẳn là ấu thơ được mẹ hát ru, được bình an trong vòng tay bao dung của mẹ.
 Các em học sinh trong một giờ học môn Tiếng Việt. (Ảnh nguồn internet)
Các em học sinh trong một giờ học môn Tiếng Việt. (Ảnh nguồn internet)
Đã bao lần tôi tự hỏi lòng mình: Cớ sao những câu hát ru ngày xưa của má cứ sống mãi trong tâm hồn tôi, hình bóng quê hương gợi lên từ những câu hát cứ vương vấn lòng tôi cho đến khi đã trưởng thành, đã hiểu được “cái lẽ ở đời”, ngọt ngào lẫn đắng cay, phong ba và bình lặng…? Tôi lặng người nghĩ về sức mạnh của tiếng Việt trong những lời hát ru. Tiếng Việt chẳng những gợi hình, khiến trí óc trẻ thơ hình dung hình ảnh giản dị chân quê từ những lời ca thân thương, mà còn khơi gợi cảm xúc, tác động vào thế giới nội tâm của con người. Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in câu hát ngày xưa má tôi thường hay hát ru tôi nơi cánh võng sau hè: “Má ơi, con vịt chết chìm/Thò tay vớt nó cá lìm kìm đớp tay”. Hồi còn nhỏ, mỗi lần má ngân lên câu hát đó là tôi lại rưng rưng. Trời ơi! Tội nghiệp con vịt quá, lam lũ nhọc nhằn để kiếm miếng ăn, sơ sẩy mà chết chìm trên dòng trong đục. Nhà tôi nằm cạnh con mương nhỏ, mùa nắng mương cạn, mùa mưa nước đầy, rau muống thả dây bò ra xanh mướt. Một buổi chiều ngồi chơi đồ hàng sau nhà, tôi phát hiện có xác con vịt nổi trên dòng nước. Thương con vịt, tôi định kéo nó lên nhưng chợt nhớ đến câu hát của má, tôi rụt tay lại vì sợ “cá lìm kìm đớp tay”. Mãi đến sau này tôi mới biết con vịt đời nào lại chết chìm? Con cá lìm kìm bé tẹo thế kia sao đớp được bàn tay? Hóa ra, đằng sau hình ảnh có vẻ ngược đời ấy là bóng dáng của một cô bé chân quê, ngây thơ hồn nhiên và tấm lòng đôn hậu. Ôi, “con vịt chết chìm”! Ôi, tiếng Việt mang nhiều tầng ý nghĩa mà đôi khi có đi cả cuộc đời người ta cũng không thể nào lý giải hết.
Nhớ cái thuở tôi bi bô tập đọc những bài học vần đầu tiên của cuộc đời, má ngồi dạy tôi đánh vần từng tiếng một rồi đọc cả bài thơ. Toàn những bài thơ hay, duyên dáng viết về tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước. Tiếng Việt thật tuyệt vời, tiếng Việt mang trong nó một linh hồn riêng, một tình cảm riêng ăn sâu vào tiềm thức trẻ thơ. Tiếng Việt dạy tôi biết yêu quý ngôi nhà của mình, Tổ quốc của mình, nơi ông bà, cha mẹ, anh em tôi… được sinh ra và lớn lên: “Em yêu ngôi nhà/Gỗ, tre mộc mạc/Như yêu đất nước/Bốn mùa chim ca”  (Tô Hà). Những bài học làm người vô cùng quý giá theo người ta suốt hành trình cuộc đời được gửi gắm qua ngôn từ tiếng Việt. Tôi lại nhớ về những đêm trăng hiền từ, bên ánh đèn dầu, má dạy tôi học bài, dạy tôi tập viết tiếng Việt. Má nói: “Ngôn ngữ của dân tộc mình đẹp lắm, vì vậy, phải viết sao cho đẹp, cho rõ chữ để thể hiện sự trân trọng, nâng niu”.
Tiếng Việt-thứ ngôn ngữ đẹp đẽ, thiêng liêng, sản phẩm tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam. Tiếng Việt trong khúc hát ru, tiếng Việt trong văn chương, trong những bài học hay. Tiếng Việt theo ta suốt cả cuộc đời…
Tôi đã hiểu vì sao nhà thơ Lưu Quang Vũ viết: “Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ”, “Tiếng Việt ơi, tiếng Việt xót xa tình”. Tiếng Việt cho ta nhiều quá! Một dân tộc hùng mạnh là một dân tộc có tiếng nói, có văn hóa riêng. Tiếng Việt bồi đắp và nuôi lớn tâm hồn mỗi con người. Vậy nên tự dặn lòng phải yêu và quý trọng tiếng Việt như máu thịt của mình, ý thức sử dụng tiếng Việt sao cho đúng, cho hay...
Hoàng Duy Khánh

Có thể bạn quan tâm