Bạn đọc

Ông bà lão nuôi con và cháu bị bệnh nan y

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thương con gái bị bệnh tâm thần, cháu ngoại bị bại não, vợ chồng ông Phạm Văn Đông (thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) quyết định bán nhà để lấy tiền chữa trị. Nhưng rồi tiền hết, nhà cũng không còn mà bệnh tình của cả hai không thuyên giảm, giờ đây, cuộc sống của gia đình thêm kiệt quệ.

Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Đông khi trời đã sẩm tối. Từ ngoài ngõ đã nghe tiếng người phụ nữ lớn tuổi ra sức dỗ dành. Ông Đông ái ngại phân trần: “Khổ, có mỗi đứa con gái gần 40 tuổi rồi mà cứ ngơ ngẩn, lúc nào cũng phải khen xinh, khen đẹp chứ không là nó cứ chạy vòng quanh nhà, rồi đập phá đồ đạc”.

Bà Phạm Thị Bích Dần chăm sóc con gái và cháu ngoại. Ảnh: Anh Huy


Cô con gái mà ông Đông nhắc đến là chị Phạm Thị Thanh Huyền. 6 tháng tuổi, chị Huyền bị sốt cao, lên cơn co giật, tím tái toàn thân. Bác sĩ chẩn đoán chị mắc bệnh thần kinh. Cho rằng bản thân bị nhiễm chất độc hóa học khi còn tham gia quân ngũ là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tình của con nên vợ chồng ông không dám sinh con tiếp. Cứ làm lụng, dành dụm được ít tiền, vợ chồng ông lại đưa chị Huyền đi tìm thầy, tìm thuốc để chữa. Xót xa hơn, năm 22 tuổi, chị Huyền bị hại dẫn đến mang thai rồi sinh ra cháu Phạm Văn Duy Hiếu. “Vợ chồng tôi đặt tên cho cháu là Duy Hiếu, mong sau này cháu lớn lên khỏe mạnh, hiếu thảo với ông bà và mẹ. Nào ngờ, 6 tháng tuổi, Hiếu cũng có biểu hiện như mẹ mình: sốt, co giật. Bác sĩ kết luận cháu bị bại não và động kinh mãn tính”-ông Đông chua xót.

Vợ chồng già phải nuôi cả con lẫn cháu bị bệnh nan y nên kinh tế gia đình ngày thêm kiệt quệ. Hướng ánh nhìn về đứa cháu ngoại 14 tuổi đang ngồi dựa lưng vào tường, tay không ngừng móc miệng, ông Đông buồn rầu nói: “Nó làm thế cả ngày. Ban đêm phải đeo bao tay cho nó. Sợ nhất là lúc nó lên cơn, cứ gồng cứng người lại. Thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19, cứ vài tháng, tôi lại đưa hai mẹ con vào TP. Hồ Chí Minh để điều trị. Đã có lúc hai chân cháu quỳ được rồi nhưng bỏ lâu quá không điều trị nên lại mất cảm giác, có lúc còn sưng vù”.  

Để trang trải cuộc sống, hàng ngày, ông Đông đi phụ hồ, còn bà Phạm Thị Bích Dần (vợ ông) thì đi nhổ lông gà, lông vịt thuê. Thương cảnh khổ của vợ chồng ông, một gia đình trong thôn cho mượn tạm ngôi nhà để ở; một hộ khác thì bán đất giá rẻ và cho trả dần trong 3 năm. “3 người trong gia đình tôi đang nhận trợ cấp xã hội hàng tháng. Tôi bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học; con gái, cháu ngoại thuộc trường hợp khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Tôi cũng ráng mua mấy mét đất mong dựng ngôi nhà để sau này chẳng may vợ chồng tôi đi trước, con cháu còn có nơi để ở. Nói là vậy nhưng sức khỏe vợ chồng tôi suy giảm nhiều, đau bệnh liên miên nên chưa biết cuộc sống rồi sẽ ra sao”-ông Đông bộc bạch.

Bà Phạm Thị Soa-Bí thư Đảng ủy xã Ia Ake-cho biết: “Đây là trường hợp khá đặc biệt vì có con, cháu đều mang bệnh nặng. Trách nhiệm của xã là quan tâm, tạo điều kiện giải quyết chính sách cho gia đình. Các hội, đoàn thể cũng thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ phần nào. Địa phương đang vận động các doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân giúp gia đình ông Đông xây dựng ngôi nhà để có nơi trú ngụ”.

Mọi sự giúp đỡ cho gia đình ông Phạm Văn Đông, xin gửi về tài khoản từ thiện của Báo Gia Lai số 62110002425979 tại BIDV do chị Lệ Hằng-Phó Trưởng phòng Bạn đọc-Báo ảnh-Tư liệu Báo Gia Lai (số ĐT: 0943065095) phụ trách.

 

 ANH HUY

Có thể bạn quan tâm