Sống trẻ - Sống đẹp

Ông đồ tết thời đại 4.0

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ngày tết, những ông đồ xúng xính áo dài ngồi cho chữ đã trở thành nét đẹp truyền thống. Nhưng sau những lễ hội, những ông đồ ấy muốn tiếp tục theo đuổi thư pháp chữ Việt cũng phải thay đổi vì thời đại 4.0.
 
Đỗ Nhật Thịnh (áo dài đen) tặng chữ. Ảnh: NVCC
Ông đồ Đỗ Nhật Thịnh (sinh viên năm 4, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM) từng xuất hiện trên nhiều diễn đàn với các vai trò khác nhau như thiết kế đồ họa, nhận dạng thương hiệu, nhiếp ảnh, sáng tác tranh… Ngoài ra, trong suốt hơn 12 năm, Thịnh đã luôn theo đuổi đam mê nghệ thuật thư pháp chữ Việt và có chút ít tiếng tăm trong lĩnh vực này.
Nhưng trong sự biến thiên của xã hội, cũng như nhiều người viết thư pháp chữ Việt khác, đến nay ông đồ Thịnh đang tiếp tục đam mê của mình với một con đường khác.
Biểu diễn thư pháp trên... màn hình LED
Những năm gần đây, phong trào viết thư pháp chữ Việt trở nên ít phổ biến hơn. Một trong những lý do là chữ viết kiểu thư pháp không còn sự cuốn hút vì sự quan tâm của người trẻ hướng nhiều về công nghệ. Đỗ Nhật Thịnh nhận ra rằng ngay cả thư pháp chữ Việt cũng cần phải thay đổi, gắn với hiện đại để thu hút hơn với người trẻ.
Mỗi dịp lễ tết, Thịnh đều tham gia viết thư pháp chữ Việt tại những nơi dành riêng cho các ông đồ. Tết Nguyên đán năm nay, anh dự kiến viết chữ ở phố đi bộ Nguyễn Huệ từ 29 tết - mùng 4 tết âm lịch. Đồng thời anh còn nhận được lời mời từ Công viên văn hóa Đầm Sen để tặng chữ miễn phí cho những người có nhu cầu. 
 
Đỗ Nhật Thịnh đang viết chữ. Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, mỗi năm chỉ có vài dịp như vậy. Còn những dịp khác, những ông đồ như Thịnh sẽ làm gì? Thịnh cho biết, để thư pháp hấp dẫn được người khác, ngày nay không những viết “mực tàu, giấy đỏ” như ngày xưa, chất liệu viết thư pháp cũng không thể đóng khung trên vải, gỗ... nữa. Mọi thứ cần được kỹ thuật số hóa để lan truyền đến nhiều người hơn. 
Ngoài ra, để thư pháp thu hút nhiều người hơn, Thịnh chọn biểu diễn thư pháp trên sân khấu. Khi kết hợp viết thư pháp trên sân khấu có thể kết hợp thêm âm nhạc như những bài nhạc nền, thậm chí có thể hát để truyền tải cái hồn vào trong tác phẩm của mình. Ngoài ra, người viết thư pháp cũng có thể kết hợp thêm hình ảnh, bố trí màn hình LED... rất dễ dàng.
"Thời đại hiện nay công nghệ phát triển rất nhanh, có thể kết hợp giữa chữ viết thư pháp với hình ảnh ấn tượng để biểu diễn. Nhờ vào sự kết hợp nghệ thuật thư pháp và công nghệ, người xem có thể tiếp cận được dễ dàng. Thậm chí, biểu diễn trên sân khấu khoảng tầm 1.000 người cũng có thể thấy rõ được”, Thịnh chia sẻ.
 
Bạn trẻ chụp hình viết thư pháp tại khu vực thư pháp Nhà Văn hóa Thanh niên (TP.HCM). Ảnh: Đăng Nguyên
Thịnh cho biết, bên cạnh việc cho chữ còn có sự kết hợp các tiết mục biểu diễn sân khấu tạo sự thu hút tốt hơn. Một số đơn vị truyền thông có mời anh quay hình như VTC, HTV...
Thời đại hòa nhập và xông pha
Thịnh nói anh cảm thấy may mắn vì không những là một nhà thư pháp mà còn được rèn luyện kỹ năng về thiết kế, nhiếp ảnh, hội họa để làm phong phú thêm tình yêu nghệ thuật của mình. 
“Đây là thời đại chúng ta phải luôn sẵn sàng hòa nhập và xông pha. Hãy luôn lắng nghe, biết kết hợp những giá trị khác nhau, không ngừng tìm hiểu và học hỏi thêm nhiều ngành nghề, lĩnh vực  để phát huy thế mạnh của mình trong công việc. Đặc biệt là lĩnh vực nghệ thuật càng cần nhiều hơn sự hòa nhập để thích ứng, đưa nghệ thuật đến người thưởng lãm nhiều hơn", Thịnh cho biết.
 
Viết thư pháp tại Nhà Văn hóa Thanh niên (TP.HCM). Ảnh: Đăng Nguyên
Thời gian sắp tới, Thịnh muốn kết hợp thêm một số loại hình khác với nhau, cả kết hợp vào nghệ thuật thư pháp. Chẳng hạn, kết hợp thêm nghệ thuật sắp đặt hoặc kết hợp thêm về 3D Mappings và những hình ảnh khác. Anh mong muốn thực hiện một triển lãm đặc biệt kết hợp nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau để tiếp cận gần hơn với công chúng, tạo ra hiệu ứng lạ, mới mẻ, trẻ trung, hài hòa về nhiều yếu tố nghệ thuật, mang đến một món ăn tinh thần đặc sắc cho nhiều bạn trẻ.
Những ngày này, chúng ta đang thấy những ông đồ trên khắp các khu vực lễ hội công cộng. Nhưng sau những ngày tết, họ cũng như Thịnh, đang tìm mọi hướng đi mới cho đam mê viết thư pháp chữ Việt của mình. 
Vũ Lâm-Hải Yến (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm