Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Ông Trump và bà Harris kết thúc tranh cử bằng những 'nốt nhạc' trái ngược ở Pennsylvania

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tâm trạng và thông điệp trở nên khác biệt hơn bao giờ hết khi hai đối thủ thực hiện cuộc đua tranh cuối cùng qua các tiểu bang chiến trường, với tham vọng phụ thuôc rất nhiều vào Pennsylvania.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một sự kiện ở bang Pennsylvania ngày 4/9/2024. Ảnh: AA/TTXVN

Cựu Tổng thống Donald J. Trump và Phó tổng thống Kamala Harris đã kết thúc chiến dịch vận động tranh cử của họ vào ngày thứ Hai, 4/11 (theo giờ địa phương) với tâm trạng hoàn toàn khác biệt: Cựu tổng thống, xuất hiện trong tình trạng dường như kiệt sức, cảnh báo rằng đất nước “đang bên bờ vực sụp đổ” và kêu gọi "chúng ta sẽ cùng nhau hoàn thành sứ mệnh phi thường đó", trong khi Phó tổng thống hứa hẹn một tương lai đoàn kết hơn khi những người ủng hộ tràn đầy năng lượng hô vang cùng bà: "Chúng ta sẽ không quay lại".

Ở từng chặng dừng chân, hai ứng cử viên về cơ bản đã đưa ra hai phiên bản thực tế đối lập nhau trong những giờ cuối cùng trước Ngày Bầu cử. Ông Trump liên tục nêu lên nỗi ám ảnh về tình trạng nhập cư không được kiểm soát và những nguy cơ với các chính sách của đảng Dân chủ khi ông phát biểu trước đám đông ở Bắc Carolina, Pennsylvania và Michigan.

Trong khi đó, với thông điệp lạc quan hơn so với các chặng khác, bà Harris đã đi khắp Pennsylvania, nơi nắm giữ 19 phiếu đại cử tri, đồng nghĩa với vị thế quyết định cuộc đua. Tại các chặng dừng chân ở Scranton, Allentown và Pittsburgh, thuộc tiểu bang này, và với một cuộc mít tinh vào cuối ngày 4/11 ở Philadelphia, bà Harris đã nói về việc củng cố nền kinh tế và khôi phục quyền phá thai ở cấp liên bang. Bà khẳng định rằng người Mỹ đã "kiệt sức" và sẵn sàng thoát khỏi nền chính trị của thập kỷ qua.

"Nước Mỹ đã sẵn sàng cho một khởi đầu mới, nơi chúng ta coi những người Mỹ đồng hương không phải là kẻ thù mà là hàng xóm", bà nói với người ủng hộ tại một khuôn viên trường đại học ở Allentown.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở Washington ngày 29/10/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Cách đó khoảng 50km về phía tây nam, ông Trump đã mô tả những người nhập cư không có giấy tờ là “tội phạm mắc bệnh tâm thần” và gọi những người bị buộc tội là "bọn man rợ" và "động vật".

Cả hai ứng cử viên đều dựa vào những người ủng hộ gốc Tây Ban Nha khi họ cố gắng tập hợp cử tri gốc La-tinh. Nghệ sĩ nhạc rap ủng hộ bà Harris, Fat Joe, người Puerto Rico, đã có mặt trong những giờ cuối ở Allentown bên Phó tổng thống. Trong khi đó, ông Trump đã đưa Roberto Clemente Jr., con trai của huyền thoại bóng chày người Puerto Rico, lên sân khấu ở Pittsburgh.

Tuy nhiên, cựu Tổng thống Mỹ, người đang ở giai đoạn cuối của một chiến dịch marathon mệt mỏi bắt đầu từ năm 2022, trông mệt mỏi rõ rệt trước đám đông. Ngược lại, bà Harris, vẫn tỏ ra tươi tắn sau ba tháng chạy nước rút, đã kêu gọi đoàn kết và nhấn mạnh sự tương phản với đối thủ của mình mà không cần nêu tên ông. "Đánh giá một nhà lãnh đạo thực sự không dựa trên việc bạn đánh bại ai. Mà dựa trên việc bạn nâng đỡ ai", bà nói.

Mặc dù hai đối thủ có những tông giọng khác nhau rõ rệt, các cuộc thăm dò cho thấy cuộc đua vẫn rất sít sao, với các cuộc khảo sát cuối cùng của New York Times/Siena College cho thấy họ đang hòa hoặc chỉ dẫn trước một chút ở cả 7 tiểu bang chiến trường.

Không còn nghi ngờ gì nữa, đây sẽ là một ngày gian nan đối với hai ứng cử viên khao khát tạo nên lịch sử. Ông Trump, người hy vọng trở thành tổng thống đầu tiên sau hơn 120 năm trở lại nhiệm sở sau thất bại bầu cử (năm 1837, cựu Tổng thống Grover Cleveland tái đắc cử sau một mùa bầu cử thất bại), đã dành khoảng thời gian cuối quý giá ở Pittsburgh (Pennsylvania), trong khi người bạn đồng hành của ông, Thượng nghị sĩ JD Vance nhắm đến Newtown, một vùng ngoại ô Philadelphia.

Bên phía bà Harris - người hy vọng sẽ đi vào lịch sử tư cách là nữ tổng thống Mỹ đầu, đã nỗ lực đi gõ cửa từng nhà ở Scranton, trong khi người bạn đồng hành, Thống đốc Tim Walz vận động giờ chót ở Wisconsin và Michigan.

Cử tri bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử Tổng thống tại điểm bầu cử ở New York, Mỹ, ngày 27/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 4/11 của ông Trump bắt đầu ở Raleigh, thủ phủ của Bắc Carolina, nơi ông đã giành chiến thắng vào năm 2020 nhưng cuộc thăm dò mới nhất của Times/Siena cho thấy bà Harris có lợi thế đôi chút. Giọng nói của ông khàn khàn, thái độ mệt mỏi khi ông có bài phát biểu. Tuy nhiên, cựu Tổng thống vẫn nhấn mạnh: "Tôi nghĩ chúng ta đã kiểm soát được tình hình".

Tại Raleigh, ông Trump đã nhắc lại những lời chỉ trích quen thuộc về cựu Tổng thống Barack Obama và giới truyền thông. Ông tiếp tục chỉ trích chính quyền Biden-Harris về cách xử lý nền kinh tế và nhập cư trước khi đi chệch hướng: Cựu Tổng thống cho biết ông cảm thấy bị coi thường vì không nhận được sự ghi nhận cho cuộc cải tổ tư pháp hình sự trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Nhưng rõ ràng Pennsylvania mới là trọng tâm. Cả hai chiến dịch đều nhấn mạnh vào ngày 4/11 rằng tổng số phiếu bầu sớm trước Ngày bầu cử là điềm lành cho các ứng cử viên của họ, nhưng Pennsylvania, tiểu bang chiến trường có giá trị nhất về phiếu đại cử tri, cũng là nơi có tổng số phiếu bầu sớm thấp nhất.

Phát biểu trước khoảng 10.000 người ủng hộ ở Pittsburgh, Pensylvania, trong ngày cuối trước bầu cử, ông Trump đề cập lại việc bản thân may mắn sống sót sau các vụ bị ám sát hụt. "Nhiều người nói rằng Chúa đã cứu tôi để cứu nước Mỹ. Rất nhiều người đang nói điều đó và với sự giúp đỡ của các bạn, chúng ta sẽ cùng nhau hoàn thành sứ mệnh phi thường đó. Chạm trán với cái chết không ngăn cản được chúng ta, mà chỉ khiến chúng ta thêm quyết tâm hoàn thành sứ mệnh", ông Trump cho biết.

"Chỉ một ngày nữa thôi. Chúng ta đã chờ đợi điều này 4 năm rồi", ông Trump nói thêm và ngầm thể hiện sự lạc quan vào chiến thắng sau ngày bầu cử.

Trong khi đó, cũng tại bang chiến trường quyết định này, bà Harris phát biểu đầy tự tin ngày 4/11: "Tôi đứng đây tự hào về cam kết lâu dài của mình... Tôi sẽ là tổng thống của tất cả người Mỹ". Bà cũng chỉ trích "chủ nghĩa Trump" thúc đẩy bởi sự sợ hãi và chia rẽ.

Cũng tại Pennsylvania, bà đã gõ cửa một số nhà dân và trò chuyện với cử tri. Tại một sự kiện vận động, bà đã hô lớn khẩu hiệu kêu gọi cử tri tại bang chiến trường này: "Hãy đi bỏ phiếu, chúng ta sẽ chiến thắng".

Pennsylvania có vai trò quan trọng bởi bang này có tới 19 đại cử tri, bang chiếm nhiều đại cử tri nhất. Theo thể thức bầu cử ở Mỹ, đại cử tri mới là người quyết định ai đắc cử tổng thống, chứ không phải kết quả bỏ phiếu phổ thông của cử tri thông thường. Mỗi bang có số đại cử tri nhất định dựa theo quy mô dân số. Một ứng viên sẽ chiến thắng nếu giành được tối thiểu 270/538 phiếu đại cử tri.

Theo Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo NYT)

Có thể bạn quan tâm