Kinh tế

Doanh nghiệp

PCI hướng đến tốp 20 - Kỳ cuối: Giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để cải thiện chỉ số PCI, các sở, ngành xác định tiếp tục nỗ lực đồng hành, phục vụ doanh nghiệp (DN). Cùng với đó, triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho DN và nhà đầu tư.



Nhiều sáng kiến cải cách hành chính

Thời gian qua, Gia Lai đã nỗ lực rất nhiều để có những đột phá trong việc “tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế thúc đẩy đổi mới sáng tạo”. Qua đó, nhiều sáng kiến được áp dụng trong lĩnh vực cải cách hành chính. Đó là tỉnh đã tổ chức hội thi “Giới thiệu mô hình và thuyết trình ý tưởng cải cách hành chính” để lựa chọn ý tưởng, sáng kiến cải cách hành chính; triển khai “Mô hình tổ chức, hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung của tỉnh” nhằm tạo tiện ích phục vụ người dân, DN một cách nhanh nhất, tiện lợi nhất; quản lý, kiểm soát một cách tốt nhất quy trình giải quyết thủ tục hành chính, góp phần phòng-chống tham nhũng và tiêu cực; cải tiến phương pháp làm việc của cơ quan nhà nước theo hướng hiện đại, hiệu quả, tiết kiệm nhân lực, chi phí.

 Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Cao Nguyên (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Như Nguyện
Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Cao Nguyên (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Như Nguyện


Cùng với đó là tổ chức khảo sát, thu thập thông tin về nhận xét, đánh giá của DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh tiêu biểu đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thông qua “Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương”; ứng dụng Zalo Official trong xây dựng chính quyền điện tử giúp người dân, DN nộp, tra cứu và nhận kết quả thông qua Cổng dịch vụ công của tỉnh hoặc qua Zalo ở mức độ 3, mức độ 4. Hay sáng kiến “Ngày thứ bảy tình nguyện giải quyết thủ tục hành chính cho Nhân dân”. Thiết lập tổng đài phục vụ số (0269) 3888222, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, DN xử lý các khó khăn trong việc giải quyết thủ tục hành chính, nhân viên bưu điện sẽ đến tận nhà để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo phiếu hẹn...

Ông Nguyễn Tuấn Hải-Chủ tịch Alphanam Group-đánh giá: “Sở dĩ Alphanam Group hứng thú mạnh mẽ đối với Gia Lai là vì chúng tôi tham khảo ý kiến của các DN lớn đã từng đầu tư vào địa phương như Tập đoàn FLC. Họ có những đánh giá rất tốt về tiềm năng của tỉnh, sự hỗ trợ tích cực của chính quyền cũng như nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở đây. Sau đó, chúng tôi đã có những chuyến khảo sát trực tiếp tại Gia Lai. Hiện chúng tôi xác định sẽ đầu tư các dự án về bất động sản và nghỉ dưỡng. Trong tương lai sẽ tìm cơ hội đầu tư một số lĩnh vực khác”.

Tại Công văn số 1079/UBND-KTTH của UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đã đưa ra mục tiêu: Năm 2021, chỉ số PCI Gia Lai sẽ nằm trong tốp 25 và phấn đấu đến năm 2025 sẽ lọt tốp 20 toàn quốc. Tại hội nghị trực tuyến nghe báo cáo kết quả đánh giá chỉ số PCI và kế hoạch khắc phục của các sở, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: “Việc đề ra giải pháp nâng cao chỉ số PCI trước mắt phải khắc phục từng chỉ tiêu, chỉ số thành phần. Cần nêu rõ nhiệm vụ cụ thể cho những chỉ số còn tồn tại, phấn đấu giảm chênh lệch, khoảng cách điểm số giữa các sở, ngành, tạo sự lan tỏa, tác động tích cực đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”.

Theo ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh: “Để cải thiện vị trí xếp hạng PCI hàng năm, tỉnh cần có giải pháp để kéo những chỉ số đang bị giảm điểm lên, tập trung tác động cải thiện điểm số ở những chỉ số có trọng số cao. Việc khảo sát PCI một phần phụ thuộc vào tâm lý, cảm tính của DN. Vì vậy, tỉnh cần có những hoạt động bề nổi nhằm tạo hiệu ứng tâm lý tốt, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với DN. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền về sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền địa phương với DN cũng rất quan trọng”.

Phấn đấu cải thiện từng chỉ số

Ông Nguyễn Tiến Quang-Giám đốc VCCI tại Đà Nẵng-nhận định: “Theo kết quả điều tra PCI, vẫn còn gần 45% DN được khảo sát cho biết họ phải trả các chi phí không chính thức; 54% DN cho rằng hiện tượng nhũng nhiễu vẫn còn và có tới 20% DN đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc còn chưa hiệu quả, chưa thân thiện”. Nhìn vào những “tiếng lòng” mà cộng đồng DN phản ánh cho thấy còn nhiều dư địa và không gian cải cách.

Trong 24 chỉ tiêu của chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN, Sở Công thương phụ trách tới 10 chỉ tiêu và có một số chỉ tiêu có vị trí khá thấp trong năm 2020 như: tỷ lệ DN từng sử dụng dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường (xếp vị trí 61), DN từng sử dụng dịch vụ xúc tiến thương mại (xếp vị trí 62), DN đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ xúc tiến thương mại (xếp vị trí 57)…

Đóng gói bao bì sản phẩm cà phê tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp.jpg
Đóng gói bao bì sản phẩm cà phê tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Ảnh Công ty cung cấp


Về vấn đề này, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Để cải thiện các chỉ tiêu này, Sở tăng cường phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, Hội Nữ doanh nhân để kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của DN, từ đó nhanh chóng có hướng tháo gỡ. Sở cũng tăng cường tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai các giải pháp hỗ trợ DN, cải thiện môi trường đầu tư ở các lĩnh vực của ngành. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước một cách hiệu quả hơn. Cùng với đó, tổ chức cho DN tham gia các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch OCOP, đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm của DN”.

Giám đốc Sở Công thương cũng cho biết sẽ cập nhật thường xuyên các văn bản mới, công khai minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, quy hoạch ngành, các chính sách khuyến khích đầu tư dưới nhiều hình thức như: Trang thông tin điện tử của Sở, văn bản hành chính, đối thoại trực tiếp đến các DN... Tiếp tục phổ biến rộng rãi địa chỉ tiếp nhận các ý kiến phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân đối với những công chức có hành vi nhũng nhiễu và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để xảy ra tình trạng các nhà đầu tư, các chủ DN phải trả chi phí không chính thức khi đầu tư, sản xuất kinh doanh vào các lĩnh vực thuộc quản lý của ngành Công thương. Đồng thời, niêm yết công khai các loại phí, lệ phí theo đúng quy định của pháp luật.

Liên quan đến cải thiện chỉ số đào tạo lao động, bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: “Sở chỉ đạo các cơ sở đào tạo tập trung nghiên cứu thị trường lao động để lựa chọn nghề đào tạo phù hợp; xây dựng các phương án hoạt động hiệu quả để nâng cao năng lực tuyển sinh đạt kế hoạch được giao. Đồng thời, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp và các sở, ngành liên quan triển khai có hiệu quả quy chế phối hợp nhằm nâng cao chỉ số đào tạo lao động”.

Một số chỉ số con khác cũng có thứ hạng chưa cao như thủ tục thay đổi, đăng ký DN được niêm yết công khai (xếp vị trí 55); tỷ lệ DN đăng ký kinh doanh qua phương thức trực tuyến, bưu điện (xếp vị trí 50); cán bộ am hiểu chuyên môn về thủ tục thay đổi, đăng ký DN (xếp vị trí 49)... Trách nhiệm cải thiện các chỉ số này thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bưu điện tỉnh...

Đưa chỉ số PCI vào tốp 25 trong năm 2021 và tốp 20 vào năm 2025 là mục tiêu không đơn giản, nhất là khi không còn địa phương nào muốn giẫm chân tại chỗ trong cuộc đua cải cách này và khoảng cách điểm số giữa tỉnh đứng đầu và đứng cuối ngày càng thu hẹp. Vì vậy, bên cạnh việc khắc phục những chỉ số giảm điểm như tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ DN và đào tạo lao động ra thì Gia Lai đang tiếp tục duy trì những điểm số đã tốt. Đồng thời, cần đẩy mạnh hơn nữa chương trình chuyển đổi số nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, tạo sự hài lòng tối đa cho các DN, nhà đầu tư để có thể thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

 

HÀ DUY
 

Có thể bạn quan tâm