(GLO)- Với tính năng gọn nhẹ, dễ sử dụng và có tốc độ cắt hạ, bổ gỗ cực nhanh nên “lâm tặc”thường sử dụng cưa xăng làm công cụ khai thác gỗ lậu, còn người dân thì dùng cưa xăng phá rừng làm rẫy, cưa xăng đang trở thành mối hiểm họa khó lường. Mặc dù ngành chức năng của huyện Kbang đã vào cuộc, song chưa có biện pháp quản lý cưa xăng hiệu quả, nên rừng vẫn bị tàn phá.
Ảnh: Như Hướng |
Gần 5 ha rừng cạnh làng tái định cư Kon Von 1, xã Đak Rong đã bị người dân “khai tử” để làm rẫy. Rất nhiều cây gỗ có đường kính từ 0,3 mét trở lên bị người dân dùng cưa xăng cắt hạ nằm ngổn ngang. Diện tích này chặt phá thủ công chí ít cũng mất vài ba tháng với số lượng đông người. Tương tự tại làng Kon Lốk hay làng tái định cư Kon Lanh Te cũng vậy-nhiều khu rừng bị cắt hạ. ông Đinh Bo-Trưởng thôn làng Kon Lanh Te, cho biết: Làng có hơn 15 máy cưa xăng. Bà con mua loại 2 đến 3 triệu đồng một cái. Mua cưa xăng để phát rẫy, làm kinh tế, cắt chặt nhanh và nhiều.
Trong 9 tháng qua, xã Đak Rong có trên 12 ha rừng bị phá làm rẫy, đa số là rừng có nhiều cây gỗ to. Ông Đinh Nao-Chủ tịch UBND xã Đak Rong, cho biết: Làng nào cũng có cưa xăng, chỉ cần 10 đến 20 phút là cắt xong một thân gỗ. Đi phát rẫy chỉ cần 10 phút là hạ đổ 10 cây, 20 cây. Không thể quản lý được, vì mỗi ngày người ta chỉ “làm” 5 phút, 10 phút thôi.
Còn tại xã Krong, cũng đã phát hiện 29 vụ lấn rừng làm rẫy, 5 vụ khai thác rừng trái phép, tịch thu 4 cưa xăng. Để lấn rừng, bà con dùng cưa xăng cắt một phần gốc cây sao cho khi có gió to sẽ xô cây ngã đổ và một thời gian sẽ thành rẫy.
Krong và Đak Rong là những địa bàn nóng về khai thác gỗ trái phép. Nguy hại nhất là lâm tặc dùng cưa xăng phá cả rừng đặc dụng. Những cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi đang được bảo vệ bị lâm tặc tìm cách “xẻ thịt”.
Chẳng hạn như: Vụ khai thác gỗ trái phép tại khoảnh 1 tiểu khu 109, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, thuộc địa bàn thôn 5, xã Krong, lâm tặc cưa hạ một cây gỗ hương đường kính 2 mét, khối lượng gần 52 mét khối và một cây khác có đường kính tương tự cũng bị cắt gần đổ; vụ lâm tặc đã dùng cưa xăng bổ tới 61 hộp gỗ hương, trên 26 mét khối ở khoảnh 6, tiểu khu 30 và 12 cây gỗ hương khác, đường kính từ 0,5 mét đến 1 mét, khối lượng gỗ tròn là hơn 61 mét khối ở khoảnh 3 và 4, tiểu khu 83 địa bàn xã Đak Rong, thuộc lâm phần Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa quản lý; vụ cây gỗ sao cát đường kính gần 2 mét, cao hơn 15 mét, khối lượng khoảng 30 mét khối (ở xã Kon Pne), lâm tặc dùng cưa xăng nối lam “bổ” hàng chục bộ ngựa…
Anh Hải-một công nhân chuyên khai thác gỗ cho biết: Những cây gỗ to như vậy chỉ có cưa xăng mới hạ được mà thôi. Mà lâm tặc sử dụng không dưới chục máy cưa và những tay cưa này rất “nghề”.
Còn nói về thủ đoạn sử dụng cưa xăng của lâm tặc, ông Nguyễn Đức Giáo-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa cho hay: Cưa xăng của “lâm tặc” hầu hết ở ngoài địa bàn thâm nhập vào và lợi dụng lúc anh em không đi kiểm tra là ra tay. Để không bị theo dõi, lâm tặc giảm thanh bằng cách dùng cái chùi nồi bằng thép cuộn lại nhét vào ống bô, phạm vi khoảng 100 mét là không nghe tiếng. Thứ 2 là chúng dùng ống giảm thanh. Bây giờ chúng dùng cưa xăng rất ồ ạt, tổ chức thành dây chuyền người vận chuyển, người xẻ, người cắt từng đoạn nên chỉ trong thời gian rất ngắn thì đã chuyển gỗ đi hết rồi.
Theo thống kê 9 tháng năm 2013, lực lượng chức năng huyện Kbang đã phát hiện 73 vụ vi phạm các quy định về khai thác, quản lý, bảo vệ rừng, tăng 11 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 14 vụ khai thác rừng trái phép, 4 vụ phát rừng làm rẫy trái phép, tang vật ngoài gỗ, ô tô, xe máy, có 6 cưa xăng bị thu giữ. Nếu tính cả các công ty lâm nghiệp, chính quyền các xã thu giữ thì số cưa xăng phải trên vài chục chiếc.
Để quản lý cưa xăng, Hạt Kiểm lâm huyện Kbang đang chỉ đạo kiểm lâm viên địa bàn phối hợp với các xã, thị trấn, cơ quan chức năng và các chủ rừng tiến hành kiểm tra, rà soát, thống kê cưa xăng ở hộ gia đình, cá nhân, tổ chức chế biến lâm sản. Tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác kê khai cưa xăng, ký cam kết không sử dụng cưa xăng vào mục đích khai thác gỗ trái phép. Đưa việc quản lý, sử dụng cưa xăng vào quy ước bảo vệ rừng của từng thôn, làng.
Hy vọng với sự quyết tâm của cơ quan chức năng, những cây hương, lim, sao, dổi và nhiều loại gỗ quý khác được bảo vệ.
Như Hướng