Kinh tế

Nông nghiệp

Phải có trách nhiệm với người chăn nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vẫn biết sản phẩm từ đồng ruộng, ao chuồng bao giờ cũng ở bậc cuối cùng trong chuỗi giá trị mà người nông dân được hưởng. Thế nhưng, thời gian gần đây, giá heo hơi đã rơi xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua, chỉ còn khoảng 35 ngàn đồng/kg quả là một tín hiệu buồn cho người chăn nuôi. Trong khi nông nghiệp được xác định là chỗ dựa an toàn cho sinh kế người dân, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống xã hội.

Việc hạn chế lưu thông do giãn cách xã hội phục vụ công cuộc chống dịch Covid-19 từ tháng 8 đến giữa tháng 10 được cho là nguyên nhân khiến đầu ra của các cơ sở chăn nuôi gặp khó khăn. Kinh tế suy giảm, người dân thiếu việc làm, mất thu nhập khiến nhu cầu tiêu thụ giảm cũng là nguyên nhân của tình trạng giá heo xuất chuồng giảm sâu nhất từ năm 2019 đến nay. 

Trang trại chăn nuôi heo công nghiệp của gia đình ông Cao Khắc Tư (tổ 1, phường Tây Sơn, thị xã An Khê). Ảnh: Ngọc Minh
Trang trại chăn nuôi heo công nghiệp của gia đình ông Cao Khắc Tư (tổ 1, phường Tây Sơn, thị xã An Khê). Ảnh: Ngọc Minh


Điều đáng nói là trong khi giá heo hơi xuống thấp gần chạm đáy, nông dân đang lỗ tiền thức ăn, phải nuôi cầm chừng thì giá thịt tại chợ dân sinh và siêu thị lại treo ở mức cao, phổ biến từ 85 ngàn đồng đến 130 ngàn đồng/kg. Nghĩa là từ lúc xuất chuồng, qua giết mổ, cung cấp cho thương lái, bán buôn cấp 1, cấp 2, cuối cùng mới đến chợ truyền thống và siêu thị bán lẻ, giá thịt heo tới tay người tiêu dùng đã tăng lên 3-4 lần. Đó là chưa kể, giá thịt heo ở một số siêu thị đang cao hơn 30% so với ở chợ. Đây là một mức chênh lệch khá cao và phi lý. Các siêu thị đang “móc đậm” tiền của người tiêu dùng.   

Dẫu biết rằng thịt heo không phải là mặt hàng được xếp vào danh mục hàng bình ổn giá. Tuy nhiên, thịt heo hầu như là món ăn chính trong bữa cơm của người dân. Nhưng trên thực tế, trong chuỗi giá trị của thịt heo từ trang trại đến bếp ăn của người dân, khâu trung gian đã lấy đi khá nhiều lợi nhuận. Cuối cùng, chỉ người chăn nuôi và người tiêu dùng phải chịu thiệt. Nên thiết nghĩ, cơ quan chức năng cũng cần có cách quản lý phù hợp thông qua kiểm tra, điều tiết hoạt động của khâu trung gian theo Luật Giá.

Quốc hội, Chính phủ cũng tỏ ra sốt ruột với tình trạng này. Vì sau mấy tháng chống dịch, một số ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đã bị tác động nặng nề. Nông nghiệp được xem là chỗ dựa cuối cùng của người lao động lúc khó khăn. Tìm giải pháp để bình ổn thị trường thực phẩm, giúp người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng được mua hàng với một mức giá hợp lý là thiết thực góp phần ổn định an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn dự báo diễn biến phức tạp, dễ bùng phát trở lại.

Kinh tế thị trường, giá cả hàng hóa tiêu dùng sẽ do thị trường tự điều tiết mà không thể can thiệp bằng một quyết định mang tính hành chính nào đó, dù là ở cấp bộ, mà chỉ có thể tác động thông qua công tác điều hành thị trường. Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: “Phải có trách nhiệm với người chăn nuôi”. Trước mắt là phải thống kê chính xác số lượng heo còn trong các trang trại theo độ tuổi xuất chuồng để có cái nhìn cụ thể, từ đó mới tiên lượng, khớp nối cung-cầu.  

Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là cơ sở để các bộ, ngành, chính quyền địa phương tháo dỡ rào cản, khơi thông tất cả các quy trình trong chuỗi sản xuất-tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Chỉ khi khơi thông được chuỗi cung ứng-tiêu thụ thì giá cả sẽ được cải thiện. Quá trình này cần thời gian cùng với quá trình khôi phục cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Ngành Công thương phải đóng vai trò nhạc trưởng trong việc điều phối thị trường tiêu thụ, thông qua việc thông tin kết nối hệ thống phân phối, nhu cầu người tiêu dùng… không để nơi thừa không tiêu thụ hết, nơi thiếu người dân phải mua thịt với giá cao. Việc mở cửa lại nền kinh tế sẽ kéo theo nhu cầu đi lại, tham quan du lịch của người dân tăng cao. Nhu cầu tiêu thụ lương thực thực phẩm tăng lên trong thời gian tới, hy vọng sẽ kích thích giá cả trở lại.

Về lâu dài, việc dự báo thị trường sẽ là cơ sở để phát triển ngành chăn nuôi theo quy hoạch, tránh tình trạng mất cân đối cung-cầu, giảm rủi ro cho người chăn nuôi, phát triển một nền nông nghiệp bền vững, để nông dân không bị bỏ rơi khi nền kinh tế gặp khó khăn.

ĐÌNH CƯƠNG

Có thể bạn quan tâm