Chính trị

Tin tức

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM

Phải trau dồi cả đức lẫn tài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ảnh: Tư liệu
Ảnh: Tư liệu

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức, nhất là đạo đức cách mạng. Tuy nhiên, coi trọng đức không có nghĩa là xem nhẹ tài mà theo Người giữa chúng không thể có mặt này mà thiếu mặt kia, đức và tài phải tương hỗ cùng nhau, thống nhất hữu cơ với nhau mới giúp cho con người, nhất là cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ cách mạng cũng như hoàn thiện nhân cách.

Nói cách khác, đức và tài là hai phẩm chất không thể thiếu của một cán bộ, đảng viên tốt. Ở đó, đức là nền tảng của tài, định hướng cho tài năng phát triển và phát triển đúng hướng-tức phục vụ nhân dân và cách mạng. Ngược lại, tài là thành tố góp phần tạo nên đức, phát huy tác dụng của đức, hoàn thiện đức.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ cách mạng nặng nề và gian khổ nhưng người cách mạng sẽ hoàn thành sự nghiệp cách mạng một cách vẻ vang nếu xây rèn được nền tảng đạo đức. Người nói: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Đức là gốc vì nó có ý nghĩa quyết định thái độ, lập trường tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên và quyết định mục tiêu, lý tưởng mà họ phấn đấu. Đức là gốc còn vì trong đức đã có tài, bởi khi cán bộ cách mạng có đức sẽ thường xuyên đòi hỏi với chính bản thân việc học tập, nâng cao trình độ, tài năng để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Không có ý chí, sự quyết tâm, lòng dũng cảm, thái độ cần mẫn học tập thì không thể gọi là người có đạo đức. Không hề có đạo đức dành cho những kẻ lười nhác. Phải có đức mới đi đến cái trí. Có cái trí mới đi đến tài năng. Nói cách khác, đức là tiền đề, động lực, là mảnh đất màu mỡ để ươm mầm và phát triển tài năng. Chân lý hiển nhiên đó đã được chứng minh một cách sống động bằng chính cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính đức sâu thẳm và bao la của lòng yêu nước, thương dân là động lực thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân và sẵn sàng chịu đựng mọi gian lao khổ ải nhằm giành bằng được độc lập cho dân tộc, thống nhất cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào mình.

Ngược lại, tài năng được phát huy cao độ nhất chính là đem lại lợi ích cho dân, cho nước-đó cũng chính là đức lớn nhất. Bất tài, không có khả năng đem lại lợi ích cho con người, nhất là những người lao động chân chính, người lao khổ; không cống hiến được gì cho xã hội thì không thể coi là người có đạo đức theo đúng nghĩa của nó. Đồng thời, tài đó phải được sử dụng vì đức, phục vụ cho đức nếu không nó trở nên mất phương hướng, thành vô dụng và thậm chí là gây nguy hại cho con người và sự tiến bộ xã hội.

Ngày nay, trong bối cảnh kinh tế thị trường, có người cho rằng chỉ cần có tài thì quẳng đâu cũng sống được, làm ăn kinh tế không cần đến đạo đức. Đó là sự ngụy biện và là sai lầm nghiêm trọng. Nếu làm kinh tế theo đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước nghĩa là đã có đạo đức. Ngược lại, nếu làm kinh tế để giàu có bằng con đường phi pháp là giả dối, tội ác. Một xã hội tiến bộ là xã hội thiện, không bao che dung dưỡng cho cái ác, cái giả dối có cơ may tồn tại, nên con đường làm giàu phi pháp sẽ đi vào ngõ cụt.

Có thể nói, bài học làm người cần phải trau dồi cả đức lẫn tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn mang ý nghĩa thời sự sâu sắc.

 Nguyễn Văn Hiền

Có thể bạn quan tâm