Sáng 16/4, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy đã họp trực tuyến với tổ công tác hiện trường và đại diện các đơn vị liên quan hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa bàn phương án khắc phục sự cố sạt trượt hầm đường sắt Bãi Gió, sớm thông tuyến đường sắt Bắc - Nam, bảo an toàn tuyệt đối.
Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy yêu cầu thành lập Tổ chỉ huy tiền phương khắc phục sự cố hầm Bãi Gió. |
“Xử lý sự cố hầm Bãi Gió cần tuân thủ nguyên tắc 4 tại chỗ theo tình huống khẩn cấp và bảo đảm 5 yêu cầu: thông tuyến sớm nhất; huy động lực lượng nhanh nhất; giải pháp sáng tạo nhất; an toàn tuyệt đối cho cán bộ, kỹ sư, công nhân tham gia khắc phục; các đơn vị tập trung nguồn lực cao nhất thi công 24/24 giờ, phấn đấu trước ngày 22/4 tới sẽ hoàn thành việc khắc phục sự cố theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.
Đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị, các địa phương khẩn trương hỗ trợ, kịp thời xử lý, khắc phục sự cố sạt lở, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các lực lượng, tổ chức khắc phục.
Sáng 13/4, Bộ đã báo cáo Thủ tướng. Thủ tướng chỉ đạo giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương huy động tối đa các nguồn lực để khắc phục kịp thời sự cố sạt trượt hầm Bãi Gió, phấn đấu thông tuyến trong thời gian sớm nhất.
Bộ Giao thông vận tải cũng có văn bản đề nghị Cục Cảnh sát giao thông, công an các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và các đơn vị liên quan đề nghị ứng trực tại hiện trường 24/24 giờ để kịp thời có giải pháp xử lý, nhằm mục tiêu thực hiện nhanh, quyết liệt nhất các chỉ đạo của Thủ tướng.
Các đơn vị đang tập trung nguồn lực cao nhất thi công 24/24 giờ, phấn đấu trước ngày 22/4 tới sẽ hoàn thành khắc phục sự cố. |
Về phương án, hướng xử lý tiếp theo, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, tổ công tác hiện trường và các chuyên gia đều thống nhất đánh giá, hầm Bãi Gió có địa chất rất phức tạp, thi công từ lâu, kết cấu đã xuống cấp và việc sạt lở đã nằm trong dự báo của cơ quan quản lý Nhà nước từ năm 2020. Trong quá trình kiên cố hóa hầm Bãi Gió, sự cố xảy ra và rất may không gây thiệt hại về người và tài sản thi công.
Trên cơ sở đề xuất của tư vấn và tổ công tác hiện trường, lãnh đạo Bộ cơ bản thống nhất với phương án đã đề xuất, nhưng để hoàn thành khắc phục sự cố nhanh nhất, Thứ trưởng yêu cầu thành lập ngay Tổ chỉ huy tiền phương do Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 85, chủ đầu tư dự án làm Tổ trưởng; chỉ đạo bảo đảm thi công an toàn 24/24 giờ, định kỳ hằng ngày giao ban với Tổ công tác của Bộ Giao thông vận tải; thành lập Tổ công tác của Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy làm tổ trưởng, họp giao ban hằng ngày, nắm tiến độ thi công hàng ngày, từng giờ để có chỉ đạo kịp thời.
Chủ lực khắc phục sự cố hầm Bãi Gió là Công ty Sông Đà 10, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng công trình 3 và Công ty cổ phần Đường sắt Phú Khánh. |
Tổ chỉ huy tiền phương xác định rõ trách nhiệm từng đơn vị, phân chia khối lượng trong quá trình thi công khắc phục sự cố với 3 đơn vị chủ yếu, chủ lực là Công ty Sông Đà 10, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng công trình 3, Công ty cổ phần Đường sắt Phú Khánh.
Các đơn vị huy động máy móc, thiết bị, vật liệu, nguồn nhân lực và chịu trách nhiệm bảo đảm toàn bộ tài chính trong quá trình thi công khắc phục. Ban Quản lý dự án 85 huy động thêm các đơn vị để cung ứng vật liệu đủ, kịp thời trong quá trình thi công khắc phục,...
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trung bình mỗi ngày, ngành đường sắt chuyển tải 10 đoàn tàu.
Đến tối 15/4, đã chuyển tải hơn 13 nghìn hành khách trên 38 đoàn tàu khách từ ga Tuy Hòa (Phú Yên) đến ga Giã (Khánh Hòa) và ngược lại; cung cấp suất ăn, nước uống miễn phí; tiếp tục tổ chức chạy tàu khách theo kế hoạch đã bán vé hành khách, kết hợp với việc nâng cao chất lượng tổ chức chuyển tải hành khách.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh (áo trắng đứng giữa) trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo, động viên các đơn vị thi công. |
Do ảnh hưởng sự cố, đã có 77 đoàn tàu hàng bị ách tắc. Đường sắt phải thỏa thuận với chủ hàng để chuyển tải, hiện đã chuyển tải được 16 đoàn qua khu vực bị sự cố, ưu tiên hàng tươi sống, đông lạnh và hàng chuyển phát nhanh.
"Đây là sự cố vượt ngoài khả năng, tầm kiểm soát nên thiệt hại đối với vận tải đường sắt rất lớn. Tổng công ty kiến nghị các cấp xem xét nguồn kinh phí hỗ trợ và để giảm thiểu thiệt hại, đề nghị địa phương bố trí xe chuyển tải bảo đảm số lượng, điều kiện phục vụ hành khách; kiến nghị cấp thẩm quyền miễn phí sử dụng đường bộ cho xe chuyển tải hành khách, hàng hóa qua hầm Đèo Cả...", ông Mạnh kiến nghị.
Ông Mạnh cũng kiến nghị, sau khi khắc phục xong sự cố hầm Bãi Gió, các cấp có thẩm quyền xem xét bố trí vốn gia cố bước 1 đối với 12 hầm yếu trên tuyến cần phải ưu tiên xử lý với kinh phí dự kiến dưới 500 tỷ đồng và có phương án xử lý 27 hầm yếu trên toàn tuyến đường sắt Thống nhất.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh (đội mũ cối ngoài cùng bên phải) có mặt tại hiện trường chỉ đạo khắc phục sự cố, động viên các đơn vị thi công. |
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện tổ công tác hiện trường đang trực tiếp xử lý sạt trượt cho biết, hầm Bãi Gió (hầm số 23) là công trình hầm đường sắt cấp II trên tuyến đường sắt Bắc - Nam thuộc địa bàn thôn Đông Bắc, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), lý trình tại Km1230+991 - Km1231+385 dài gần 394m. Hầm đang được thi công kiên cố hóa, nguồn vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Ngày 12/4, nhà thầu thi công nhận lệnh phong tỏa hầm từ 9 giờ 32 phút đến 13 giờ 32 phút để thi công. Đến khoảng 12 giờ 45 phút, khi đang tiến hành phá dỡ bê-tông vỏ hầm cũ, do địa tầng trên vòm hầm yếu, đã xảy ra sạt trượt, khối lượng đất đá rơi xuống khoảng 150m3, không có thiệt hại về người và thiết bị thi công, nhưng đã làm gián đoạn chạy tàu.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, các đơn vị chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công đã phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan tiến hành phong tỏa khu gian Hảo Sơn-Đại Lãnh, phân luồng giao thông đường bộ trên hầm để triển khai xử lý sạt trượt.
Đến khoảng 3 giờ 30 phút ngày 13/4, lực lượng chức năng đã cơ bản di chuyển hết phần đất đá bị sạt trượt, chuẩn bị đưa khung chống loại A vào vị trí sạt và phun bê-tông.
Tuy nhiên, do địa chất phía trên vỏ hầm phức tạp (đá phong hóa) nên đất đá lại tiếp tục rơi xuống, không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tiếp tục tham gia xử lý. Đất phong hóa, đá tảng rơi xuống lấp kín tiết diện của hầm. Thời điểm hiện tại, các viên đá to đã chèn kín lỗ hổng trên vòm hầm với khối lượng khoảng 150m3. Địa chất trên đỉnh hầm có dạng các tảng đá xếp chồng, đan xen với nhau, tạo lỗ rỗng lớn.
Sau khi lắp hết các khung chống vào vị trí, các đơn vị thi công tiến hành phun vữa, làm bê-tông vỏ hầm, phấn đấu chậm nhất đến ngày 22/4 sẽ thông tuyến đường sắt bắc-nam. |
Trong đêm 13/4 và sáng 14/4, các bên liên quan đã tiếp tục khảo sát và nêu giải pháp xử lý, theo nguyên tắc giữ ổn định trên hầm và trong hầm để xử lý. Ngày 15/4, các đơn vị đã gia cố đất bị sụt trong hầm bằng phun vữa xi-măng hai mặt hở, cắm neo tạo ô tạo xương cứng.
Phía trên đỉnh núi, tại vị trí sụt, tiến hành khoan thăm dò địa chất, bơm vữa xi-măng vào phần đất sụt để lấp đầy khoảng trống, giữ ổn định khối đất đá trên đỉnh hầm, không cho sụt tiếp.
Sau khi vị trí sụt cơ bản đã ổn định, trong ngày 16/4, các đơn vị tiếp tục tiến hành chuẩn bị các thiết bị để khoan cắm neo dẫn trước vào vị trí miệng hố và bơm vữa áp lực cao để tạo kết dính ổn định, bốc xúc dần khối đất đá sụt trong hầm, đào đến đâu lắp khung chống đến đó để giữ.
Sau khi lắp hết các khung chống vào vị trí, tiến hành phun vữa và triển khai làm bê-tông vỏ hầm như thiết kế được duyệt, phấn đấu chậm nhất đến ngày 22/4, sẽ hoàn thành xử lý để thông tàu Bắc - Nam.