Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch giai đoạn 2013 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến năm 2015 thu hút 7-7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 36-37 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 10 - 11 tỷ USD.
Đến năm 2020 số khách quốc tế tăng lên 10-10,5 triệu lượt, phục vụ 47-48 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ khách du lịch tăng lên 18-19 tỷ USD.
Chương trình cũng đặt mục tiêu đến năm 2015 nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cho 30% sản phẩm du lịch của các khu, điểm du lịch trên toàn quốc; đến năm 2020 nâng cấp được khoảng 70% sản phẩm du lịch của các khu, điểm du lịch trên toàn quốc.
Theo Chương trình, sẽ hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch, trong đó hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp thị trường mục tiêu của du lịch Việt Nam trên cơ sở khai thác thế mạnh về tài nguyên du lịch, khai thác đặc trưng du lịch của 7 vùng du lịch Việt Nam.
Trong đó, gắn việc xây dựng sản phẩm du lịch với việc bán sản phẩm du lịch của các công ty lữ hành. Chuyển giao mô hình khai thác, quản lý và kiểm soát chất lượng cho địa phương. Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế như du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, các sản phẩm du lịch chuyên đề phục vụ các Năm du lịch quốc gia;..
Bên cạnh đó, hỗ trợ lập đề án khai thác hợp lý tài nguyên du lịch, phát triển một số khu, điểm du lịch quốc gia theo định hướng phát triển bền vững; xây dựng và vận hành các Chương trình quản lý chất lượng dịch vụ áp dụng trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, lữ hành, hướng dẫn, vận chuyển khách du lịch và dịch vụ du lịch khác...
Ngoài ra Chương trình còn có hoạt động nâng cao chất lượng môi trường du lịch (tự nhiên và xã hội); hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Phát triển hệ thống thương hiệu du lịch quốc gia
Một hoạt động khác nằm trong Chương trình là xây dựng và phát triển hệ thống thương hiệu du lịch quốc gia. Cụ thể, hỗ trợ các vùng, địa phương, doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch địa phương, thương hiệu du lịch của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tổ chức các cuộc thi bình chọn danh hiệu trong ngành Du lịch nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam như: tổ chức bình xét các doanh nhân tiêu biểu trong lĩnh vực du lịch, các danh hiệu hàng đầu trong lĩnh vực lữ hành, khách sạn, vận chuyển, các khu, điểm dừng nghỉ, các trung tâm mua sắm phục vụ khách du lịch...
Tổ chức các chương trình, sự kiện du lịch lớn trong nước để truyền thông thương hiệu du lịch Việt Nam, trong đó, phối hợp tổ chức các chương trình, sự kiện văn hóa - du lịch, thể thao - du lịch quốc tế tại Việt Nam với quy mô lớn để quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam, đặc biệt chú trọng các hoạt động truyền thông thương hiệu gắn với chủ đề của các Năm Du lịch quốc gia.
Phối hợp với các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài tổ chức các chiến dịch quảng bá thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam; các chương trình, sự kiện giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm du lịch Việt Nam hoặc kết hợp tổ chức Tuần Việt Nam, Ngày Việt Nam, Festival Du lịch Văn hóa tại các thị trường gửi khách mục tiêu; Tổ chức Chương trình gặp gỡ Hội những người Việt tại nước ngoài để khuyến khích, thu hút đồng bào về thăm quan du lịch Việt Nam, tham gia giới thiệu quảng bá về Việt Nam và vận động bạn bè nước ngoài đi du lịch Việt Nam.
Theo Chinhphu.vn