Kinh tế

Nông nghiệp

Phấn khởi khi nông sản tăng giá

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Giá sầu riêng, cà phê cùng nhiều loại nông sản khác đều tăng cao, giúp đời sống nông dân 'dễ thở' hơn rất nhiều.

Niềm vui nông dân Tây nguyên

Cả tháng nay, ông Trương Ngọc Lợi, nông dân tại H.Cư M'gar (Đắk Lắk), cặm cụi suốt ngày ngoài vườn nên thường xuyên bỏ lỡ những cuộc điện thoại gọi đến, nhưng mỗi khi người thân liên lạc được với ông, họ đều có thể cảm nhận niềm vui khi các loại nông sản năm nay tăng giá cao.

Ông Lợi chia sẻ: "Tháng trước, tôi thu hoạch sầu riêng. Vườn tôi chỉ có 500 kg nhưng giá bán cao, nhận tiền xong tôi mua ngay chiếc xe máy cho đứa con gái đi học. Mấy hôm nay đến lượt thu hoạch cà phê. Năm nay giá cà phê khá cao, dự định vụ này vườn tôi có thể lãi được 400 triệu đồng. Tôi định dịp này dành hẳn nửa tạ cà phê để đi du lịch, kết hợp thăm bà con ở TP.HCM".

Giá sầu riêng tăng cao giúp cho nhiều chủ vườn trở thành tỉ phú. Ảnh: Công Hân

Giá sầu riêng tăng cao giúp cho nhiều chủ vườn trở thành tỉ phú. Ảnh: Công Hân

Gia đình ông Hoàng Văn Hồng, ngụ tại H.Krông Pắc (Đắk Lắk), trồng 1 ha sầu riêng từ năm 2016, sản lượng năm nay ước đạt 20 - 25 tấn. Ông Hồng chia sẻ giá năm nay cao gần gấp 2 lần so với mùa sầu riêng năm 2022. Thời tiết ủng hộ nên đa phần nông dân đạt năng suất, được mùa. Với giá bán tại vườn 83.000 đồng/kg, gia đình ông thu lãi khoảng 1,5 tỉ đồng.

Ông Hàn Ngọc Cẩn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Thương mại Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, cho biết hợp tác xã có 84 thành viên tham gia, diện tích 120 ha, sản lượng sầu riêng năm nay đạt khoảng 2.000 tấn, bình quân đạt 15 - 20 tấn/ha. Các thương lái, công ty đến thu mua khá đông, giá chốt đầu vụ dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/kg khiến bà con rất phấn khởi.

Niềm vui được mùa, được giá năm nay lan tỏa khắp các vùng Tây nguyên. Vụ thu hoạch sầu riêng tại Đắk Lắk, Gia Lai chỉ còn khoảng 10 ngày là kết thúc. Thông thường, giá sầu riêng tăng cao vào đầu vụ, giảm vào cuối vụ nhưng năm nay giá luôn đứng chót vót trên 80.000 đồng/kg từ đầu vụ đến nay.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk - Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, nhìn nhận: "Xét tổng thể, ngành nông nghiệp địa phương có thể khẳng định vụ sầu riêng 2023 đã thắng lớn so với mọi năm, diện tích, sản lượng đều tăng mạnh và giá thu mua đến cuối vụ vẫn cao. Hiệu quả của cây sầu riêng là nhìn thấy rõ ràng nhất. Sắp tới nông dân Đắk Lắk bước vào thu hoạch cà phê, hy vọng chuỗi ngày được mùa, được giá sẽ kéo dài với nông dân Tây nguyên". Theo ông Vũ Đức Côn, giá cà phê hiện đang khá cao nhưng nếu so sánh về giá trị tuyệt đối thì cây sầu riêng vẫn "vô đối".

Ngày 13.10, giá cà phê nhân xô mặc dù đang tiếp tục giảm 400 - 500 đồng/kg nhưng mức giá cà phê trung bình tại các tỉnh Tây nguyên vẫn dao động quanh mốc 63.200 đồng/kg. Nhiều hộ trồng cà phê cho biết mức giá này cao hơn khoảng 25% so với năm trước. Giá cà phê tươi một số vùng đang thu hoạch sớm được bán với giá từ 10.000 - 11.000 đồng/kg.

Miền Tây cũng vui chung

Sau vụ thu hoạch sầu riêng tại Đắk Lắk, vùng trồng sầu riêng tại miền Tây và Đông Nam bộ cũng bắt đầu cho trái. Giá sầu riêng khu vực này không mấy chênh lệch so với vùng Tây nguyên, khác biệt dễ thấy nhất là ở phương thức thu mua. Vốn có kinh nghiệm hợp tác nhiều năm nay nên vụ thu hoạch ở khu vực miền Tây đi vào khuôn khổ, nền nếp hơn chứ không có cảnh "thổi giá" để tranh mua, tranh bán. Đối với sầu riêng Thái, giá bán loại đẹp lựa vào ngày cuối tuần ở mức 80.000 - 86.000 đồng/kg. Tương tự, sầu riêng Thái mua xô cũng ghi nhận ổn định, hiện được thương lái thu mua tại mức 70.000 - 75.000 đồng/kg.

Nông dân miền Tây phấn khởi vì lúa gạo được mùa, được giá. Ảnh: CÔNG HÂN

Nông dân miền Tây phấn khởi vì lúa gạo được mùa, được giá. Ảnh: CÔNG HÂN

Sầu riêng Ri6 đẹp lựa có giá khoảng 55.000 - 59.000 đồng/kg và sầu riêng Ri6 xô có giá khoảng 45.000 - 52.000 đồng/kg. Theo tính toán sản xuất của nông dân, giá canh tác 1 kg sầu riêng dao động từ 12.000 - 18.000 đồng cho loại A, vì vậy nông dân bán tại vườn chỉ cần bán với giá đến 40.000 đồng là đã có lãi. Một số nhà vườn dự báo giá sầu riêng sẽ còn duy trì ở mức cao, nhất là vào dịp cuối năm khi thị trường Trung Quốc bắt đầu bước vào dịp lễ tết.

Bên cạnh niềm vui vì sầu riêng được mùa được giá, nông dân miền Tây còn đang phấn khởi vì giá lúa neo cao từ đầu năm đến nay. Nhớ lại thời điểm này năm trước, bà Nguyễn Thị Đẹp, nông dân trồng lúa tại

H.Kế Sách (Sóc Trăng), kể: "Làm lúa thì giá lên giá xuống thường xuyên, lúc được lúc thất. Năm trước thì hầu như nông dân trồng lúa đều thua lỗ vì giá phân bón cao, giá bán thấp. Nhưng năm nay thì trồng lúa "trúng" từ đầu năm. Nhà có ruộng ít như tôi cũng lời vài chục triệu mỗi vụ, hy vọng giá lúa giữ được để nông dân đỡ khổ".

Giá lúa đến ngày hôm qua (13.10) vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Tại khu vực An Giang, giá lúa IR 504 dao động quanh mốc 7.900 - 8.100 đồng/kg; lúa OM 5451 dao động 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 7.900 - 8.100 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 8.200 - 8.300 đồng/kg; Đài thơm 8 tươi 7.800 - 8.100 đồng/kg; Nàng Nhen (khô) 15.000 đồng/kg… Giá lúa hiện nay khá cao nên thương lái nhiều vùng đang có tâm lý chờ đợi, nhiều thương lái ngưng mua, quan sát thị trường.

Sầu riêng, lúa gạo, cà phê là những mặt hàng đang có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh, giá bán cao. Trong 2 tháng vừa qua, VN đã cung cấp cho thị trường thế giới gần 1,8 triệu tấn gạo, vừa góp phần bảo đảm nguồn cung cho thế giới vừa mang lại lợi ích kinh tế cho người trồng lúa. Lũy kế 9 tháng năm 2023, cả nước đã xuất khẩu 6,6 triệu tấn gạo, kim ngạch thu về đạt 3,66 tỉ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong lịch sử xuất khẩu ngành lúa gạo 34 năm.

Đối với mặt hàng cà phê, trong 9 tháng năm nay, cả nước xuất khẩu 1,25 triệu tấn cà phê, giảm 8,3% về lượng nhưng tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cao hơn 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2022, lần đầu tiên xuất khẩu cà phê của VN đạt hơn 4 tỉ USD nhưng sản lượng xuất khẩu lên đến 1,78 triệu tấn. Trong khi đó, lượng cà phê xuất khẩu năm nay giảm mạnh nhưng giá cà phê xuất khẩu tăng cao 10% so với năm trước, dự báo kim ngạch xuất khẩu cà phê cả năm vẫn trên 4 tỉ USD.

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng là sự tăng trưởng vượt bậc, từ chỉ khoảng 300 triệu USD vào quý 4/2022, đến nay xuất khẩu sầu riêng đã mang về gần 1,5 tỉ USD và dự báo đến cuối năm có thể đạt đến 1,8 tỉ USD, đóng góp vào kỷ lục 5 tỉ USD xuất khẩu của ngành rau quả.

Theo thống kê sơ bộ do Tổng cục Hải quan vừa công bố, tháng 9 kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 667 triệu USD, tăng 43,7% so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ 2022, mức tăng còn ấn tượng hơn với 167% (tương đương kim ngạch tăng thêm gần 420 triệu USD). Tính chung hết tháng 9, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỉ USD, tăng tới 72,5% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng của mặt hàng rau quả có sự đóng góp lớn từ việc phục hồi ở thị trường Trung Quốc.

Sau khi nước láng giềng này khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh bình thường ở biên giới phía bắc từ tháng 1.2023, xuất khẩu nông sản của VN, trong đó có rau quả sang Trung Quốc tăng trưởng ấn tượng. Hết tháng 9, riêng kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 2,7 tỉ USD, tăng tới 160% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Như vậy, mới qua 9 tháng nhưng kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc vượt khoảng 1,2 tỉ USD so với kết quả của cả năm 2022 (năm ngoái đạt 1,52 tỉ USD).

Có thể bạn quan tâm