Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Phấn khởi vì các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội đạt khá

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI-nhiệm kỳ 2016-2021 bước vào ngày làm việc đầu tiên. Nhìn vào mức tăng trưởng GRDP đạt 7,81% của năm 2017, các đại biểu đều phấn khởi. Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng này trong năm 2018 cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt là một số Sở ngành, địa phương của tỉnh cần phải nỗ lực nhiều hơn.
Các ông: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Phan Chung- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; bà Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đồng chủ trì. Tham dự Kỳ họp có ông: Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, lãnh đạo các sở ngành của tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Kinh tế nhiều khởi sắc
Theo đánh giá của UBND tỉnh, có 19/20 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2017 có khả năng đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 7,81%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 4.181 tỷ đồng, bằng 115,7% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 11,9%. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được chú trọng và đạt nhiều kết quả; các hoạt động thương mại-dịch vụ tiếp tục phát triển.
Ảnh: Minh Dung
Ảnh: Minh Dung
Phân tích về kết quả thu ngân sách đạt ở mức cao nhất từ trước đến nay, đại biểu Nguyễn Dũng-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính cho rằng: Năm 2017, chúng ta đánh giá tình hình thực hiện công tác thu ngân sách căn cứ vào kết luận của Kiểm toán nhà nước sau khi đã rà soát các khoản thuế và phân tích các yếu tố đạt dự toán của năm 2017. Thời tiết thuận lợi, sản lượng phát điện của các công ty thủy điện tăng so với cùng kỳ năm 2016 nên các khoản thu từ thuế tài nguyên nước của những đơn vị này đạt và vượt so với dự toán. 
Đặc biệt, việc đẩy mạnh công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư, nhiều dự án được cấp chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành và đi vào hoạt động. Do đó nguồn thu từ tiền sử dụng đất ước thực hiện gần 582 tỷ đồng gấp 5,8 lần dự toán Trung ương giao, tăng 78,8% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân là do tỉnh đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền thẩm định giá đất, xây dựng giá đất cho ngành, địa phương thực hiện việc đấu giá thu tiền sử dụng đất được triển khai nhanh, đảm bảo tiến độ. Riêng dự án khu tái định cư suối Hội Phú thu trên 100 tỷ đồng; dự án công ty FBS giai đoạn 2, ước đạt 90 tỷ đồng; thu tiền thuê đất Siêu thị Co.op Mart Chư Sê hơn 9 tỷ đồng…
Nói về ngành kinh tế được xem là mũi nhọn của tỉnh, đại biểu Phan Xuân Vũ-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch khẳng định: Mặc dù còn nhiều tồn tại nhưng ngành du lịch trong năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là chuyển biến về mặt nhận thức. Một số địa phương như thị xã An Khê, Kbang, Chư Pah, Đak Đoa đã hưởng ứng tích cực tạo động lực cho ngành du lịch bứt phá trong năm 2018. Ngành du lịch cũng đang tích cực phối hợp với Sở Kế hoạch-Đầu tư chuẩn bị hội nghị xúc tiến đầu tư giữa Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Kêu gọi các doanh nghiệp trong tỉnh phát huy nội lực để ngành du lịch tỉnh nhà có sự tăng trưởng vững chắc. “Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Gia Lai tổ chức Festival cồng chiêng, đây là dịp để ngành du lịch Gia Lai quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương và cũng là cơ hội hợp tác, thúc đẩy, kết nối đầu tư phát triển du lịch với các địa phương khác”-đại biểu Vũ cho biết.
Nhiều giải pháp cho năm 2018
Ông Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: “Chúng ta triển khai nhiệm vụ của năm 2017 trong điều kiện có nhiều thuận lợi hơn so với cùng kỳ năm 2016. Nhìn lại những kết quả đạt được, chúng ta có thể khẳng định tình hình kinh tế-xã hội có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa bền vững. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ tập trung phân tích, đánh giá và tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục”.

Trao đổi về chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2018 đạt 7,81%, đại biểu Hồ Phước Thành-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư nhận định: Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,81% so với năm 2016, đây là mức tăng trưởng vượt bậc do hội đủ các yếu tố thuận lợi khiến cho một số ngành kinh tế chủ lực như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ tăng cao. Tuy nhiên, để năm 2018 tăng so với năm 2017 cũng ở mức 7,81% trở lên, đây là định mức đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hết sức, tìm ra những giá trị tăng thêm mới để tạo ra sự bứt phá mới cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế của tỉnh. Sở Kế hoạch-Đầu tư cũng như các Sở ngành, địa phương của tỉnh cần tìm ra các giải pháp làm sao cho tốc độ kinh tế tăng trưởng ở mức này. 

Theo đại biểu Hồ Phước Thành, về nông nghiệp cần tập trung vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để tạo những sản phẩm có hàm lượng, chất lượng và các giá trị mới tăng lên bởi diện tích, sản lượng hiện nay không thể tăng thêm được nữa. Đối với ngành công nghiệp-xây dựng, chủ lực nguồn thu từ thủy điện, năm 2017 chúng ta đã thu ở mức đỉnh điểm, không thể tăng thêm. Do đó, chúng ta cần tập trung vào lĩnh vực xây dựng. Muốn làm được điều này thì chúng ta phải đẩy mạnh việc kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, tập trung công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh các thủ tục hành chính để các dự án nhanh chóng được triển khai. Năm 2018 phải có sự bứt phá đột biến. Giá trị xây dựng dự kiến tăng so với năm 2017 khoảng 3.000 tỷ đồng để tạo ra những giá trị tăng thêm lớn.

Đối với lĩnh vực thương mại-dịch vụ- du lịch, đại biểu Hồ Phước Thành cho rằng cần đẩy mạnh các dự án đầu tư vào du lịch. Trong năm 2017, ngành du lịch đã bắt đầu có nhiều kết quả khởi sắc và đã tạo ra được những giá trị mới ở lĩnh vực này… “Nếu phát triển đồng bộ ở các lĩnh vực trên thì tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 có nhiều khả năng đạt”-đại biểu Hồ Phước Thành nhận định.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Dũng-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính cho rằng: Đối với dự toán thu ngân sách năm 2018 đạt 4.200 tỷ đồng trở lên, theo tính toán cân đối các nguồn thu thì nhiều khả năng đạt và vượt dự toán của Trung ương giao cũng như Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra. “Giải pháp đầu tiên là phải tập trung xử lý nợ đọng thuế. Đây là vấn đề nhức nhối hiện nay. Ngành thuế cần chủ động gặp gỡ các doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất kinh doanh, xem lại nguyên nhân nợ thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cần phải xem xét việc nợ thuế này, do công tác quyết toán chưa đúng hay chính sách thuế còn bất cập? Nếu thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ thì chúng ta kiến nghị; nếu các doanh nghiệp chây ỳ thì phải kiên quyết xử lý”-đại biểu Dũng nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sở Tài chính, cần phải sớm khắc phục việc thất thu ngân sách ở lĩnh vực khai thác khoáng sản. Việc cơ quan quản lý không quản lý được sản lượng khiến cho nhiều doanh nghiệp đã hết thời hạn khai thác vẫn tiếp tục khai thác. Việc cấp giấy chứng nhận kinh doanh, cấp mã số thuế thì nhiều nhưng đưa vào lập bộ thu thuế còn bỏ trống, nhiều địa phương Kiểm toán nhà nước chỉ ra nhiều khoản thất thu rất lớn. Đại biểu Dũng nêu quan điểm. “Chúng ta phải chống tiêu cực trong ngay cả cán bộ ngành thuế, qua kết quả kiểm toán cho thấy một số cán bộ thuế không quản lý hết các hộ kinh doanh, thậm chí là có tiêu cực để khởi tố vụ án”. 
Ngoài ra, năm 2018 tỉnh sẽ đẩy mạnh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, việc thoái vốn từ các doanh nghiệp này để bổ sung nguồn thu thực hiện cho nghiệm vụ phát triển kinh tế của tỉnh. Các nhiệm vụ trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo cụ thể, các ngành, địa phương triển khai nguồn thu năm 2018 sẽ đảm bảo đạt và vượt dự toán đề ra. Số thu này cũng đã loại trừ các yếu tố tăng đột biến, ngân sách tỉnh sẽ tăng trên 10% so với dự toán 2017.
Minh Dung

Có thể bạn quan tâm