Phan Thêm-Trần Thị Nguyên và dấu ấn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là một trong những thành viên đi tìm cứ liệu lịch sử báo chí Cách mạng Gia Lai, chúng tôi có dịp tìm đến nhà ông Phan Thêm-Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Gia Lai, đồng thời cũng là người sáng lập ra tờ báo Sáng-tiền thân của Báo Gia Lai ngày nay. Lần theo địa chỉ, chúng tôi đã tìm được nhà của ông tại khu tập thể Nguyễn Công Trứ (Hà Nội), nhưng ông bà đã mất, chỉ gặp được người cháu nội của ông là Phan Huy Dương, hiện đang ở và thờ tự ông bà. Nhờ vậy mà tìm được nhiều tư liệu quý về cuộc đời hoạt động của cả 2 ông bà gắn với Gia Lai.
 

Đồng chí Phan Thêm (đứng) trong một cuộc họp. Ảnh: Tư liệu
Đồng chí Phan Thêm (đứng) trong một cuộc họp. Ảnh: Tư liệu

Dấu ấn không thể phai mờ

Với Đảng bộ Gia Lai, ông Phan Thêm là “kiến trúc sư” xây dựng tổ chức Đảng và là Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Tây Sơn (Đảng bộ Gia Lai ngày nay). Còn bà Trần Thị Nguyên cũng là nữ Tỉnh ủy viên đầu tiên của Đảng bộ Tây Sơn vào những năm 1946-1949. Với uy tín và bề dày hoạt động cách mạng, ông Phan Thêm được Xứ ủy tin cậy giao cho lên xây dựng tổ chức Đảng ở Bắc Tây Nguyên. Trong hồi ký của mình, ông viết: “Tháng 9-1945, đồng chí Nguyễn Chí Thanh-Bí thư Xứ ủy Trung kỳ và đồng chí Trần Hữu Dực-Chủ tịch Ủy ban Hành chính Trung bộ cử tôi (Phan Thêm tức Phan Khắc với tư cách là Đặc phái viên-N.V) vào chỉ đạo công tác của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum (Bắc Tây Nguyên)”. Ngày 23-8-1945, Đoàn Thanh niên Gia Lai đã tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền ở Gia Lai thành công và thành lập chính quyền cách mạng lâm thời, nhưng ở đây chưa có tổ chức Đảng lãnh đạo. Cùng lúc đó, Đoàn Thanh niên Gia Lai cử đồng chí Nguyễn Đường và Trần Ngọc Vỹ (Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh Gia Lai) ra Huế xin Xứ ủy cử cán bộ vào giúp. Vậy là ông Phan Thêm cùng Nguyễn Đường, Trần Ngọc Vỹ mang theo một tiểu đội thuộc đội du kích Ba Tơ lên Gia Lai (đây là lực lượng nòng cốt để xây dựng lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh).

Sau một thời gian, ông cùng với các đồng chí trong Đoàn Thanh niên Pleiku tích cực vận động, dựa trên cơ sở của những người hoạt động tiền khởi nghĩa, như các hội viên (cũ) của Hội Ái hữu, Công hội đỏ của phong trào công nhân ở các đồn điền, phong trào thanh niên và các đảng viên hoạt động từ các tỉnh thành về hoạt động tại các đồn điền ở Gia Lai. Ông viết: “Lên đến Gia Lai tại thị xã Pleiku, tôi nghĩ ngay đến việc thành lập tổ chức Đảng vì ở đây chưa có Đảng trực tiếp lãnh đạo”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để nắm được lực lượng nòng cốt, làm thế nào vẫn đảm bảo nguyên tắc của Điều lệ Đảng, song lại linh hoạt trong khâu kết nạp đảng viên mới và tổ chức cơ sở Đảng. Ông  kể: “Ngày 1-10-1945 (tại Trường Tiểu học Việt-Pháp Pleiku-N.V) tôi thành lập chi bộ đầu tiên ở thị xã Pleiku gồm 9 người là: Trần Ren, Nguyễn Đường, Nguyễn Bá Hòe, Nguyễn Xuân, Trương Trợ, Hồ Dung, Lý Tú, Phạm Thuần và tôi (Phan Thêm), bầu đồng chí Nguyễn Đường làm Bí thư. Mỗi đồng chí lấy một chữ trong câu “Xin-Thề-Hy-Sinh-Tất-Cả-Vì-Đảng-Ta” đặt bí danh cho mình. Tôi được mang bí danh là Cả, coi như người anh cả trong 9 người. Đây là tiền thân Ban Cán sự Đảng và Tỉnh ủy sau này; là nơi đã ươm mầm những hạt giống đầu tiên cho phong trào cách mạng Gia Lai-Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Khí thế cách mạng ngày càng vững mạnh. Riêng tôi rất tự hào là người có vinh dự đặt 9 “viên gạch” đầu tiên trên mảnh đất này”.

Tháng 6-1946, thực dân Pháp tấn công tái chiếm Pleiku và Gia Lai, ông Phan Thêm đã trực tiếp lãnh đạo Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đứng lên kháng chiến, hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Toàn quốc kháng chiến”. Và cũng năm ấy, bà Trần Thị Nguyên (tức Tú) vợ ông đang công tác Phụ vận ở Phú Yên thì được lệnh lên Gia Lai. Trong hồi ký, bà nhớ lại: “Tháng 6-1945, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đến Phú Yên kiểm tra tình hình và chỉ thị tôi về Phụ vận Trung bộ và điều tôi lên bổ sung cho Gia Lai-Kon Tum” và “Được sự giới thiệu của Thường vụ Xứ ủy, tôi được bổ sung vào Tỉnh ủy lâm thời Tây Sơn do Phan Thêm (chồng tôi) là Bí thư. Theo sự phân công của Tỉnh ủy, các đồng chí Phan Thêm-Bí thư Tỉnh ủy, Phan Bá (thường trực tại cơ quan), Phạm Thuần, Nguyễn Xuân, Trần Thị Nguyên lên xóm Ké (Thượng Bình) trực tiếp chỉ đạo phong trào huyện An Khê”. Bà Nguyên khi này với vai trò là Tỉnh ủy viên phụ trách công tác phụ vận đã cùng với các đồng chí trong Tỉnh ủy tích cực làm công tác vận động quần chúng.

Ông Phan Thêm lên Gia Lai tháng 9-1945, là Đặc phái viên của Xứ ủy. Bà Trần Thị Nguyên lên Gia Lai chỉ một năm sau ông. Họ là người lãnh đạo chủ chốt ngay những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp gian nan mà hào hùng ấy. Đến năm 1949, ông bà về công tác tại Xứ ủy nhưng những cống hiến của ông bà tại Gia Lai đã để lại dấu ấn không thể phai mờ.

Tri ân-và thay lời kết

Sẽ thiếu sót nếu nói đến cặp vợ chồng lão thành cách mạng Phan Thêm-Trần Thị Nguyên mà không nhắc lại truyền thống của gia đình ông bà và đôi nét về cả cuộc đời cống hiến của họ cho cách mạng. Ông sinh năm 1913, bà sinh năm 1916. Cả 2 đều là những chiến sĩ cộng sản kiên trung, là cán bộ của tỉnh Quảng Nam và Xứ ủy Trung Trung bộ, của Liên khu 5, từng bị bắt bị tù đày trước năm 1945 (mỗi người bị địch bắt 3 lần, đều bị giam tại nhà tù Hội An và Buôn Ma Thuột); tham gia Tổng khởi nghĩa tháng Tám tại địa phương; tham gia chiến đấu ở các chiến trường trong 2 cuộc kháng chiến. Cụ thân sinh ra bà Nguyên là Trần Công Cuộc, người từng nuôi giấu các đồng chí Chu Huy Mân, Võ Chí Công, Trần Quế… Ngôi nhà của cụ được tỉnh Quảng Nam công nhận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh.

Chuyện ở tỉnh Quảng Nam tri ân với nguyên cán bộ có công với nước là đáng trân trọng. Ở Gia Lai, những cán bộ như Nguyễn Đường, Lương Thạnh, A Ma Quang, Wừu… cũng đã được đặt tên cho những con đường trong TP. Pleiku từ lâu. Nhiều cán bộ cũng như nhân dân vẫn luôn hỏi, tại sao đến giờ ở Gia Lai vẫn chưa có con đường mang tên Phan Thêm?

Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm