Tuyên ngôn Độc lập-Giá trị trường tồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 2-9-1945, dưới ngọn cờ hồng, trong nắng vàng rực rỡ của mùa thu cách mạng, hàng triệu trái tim Việt Nam đã xúc động lắng nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn sang sảng hào khí của dân tộc và thời đại, nồng nàn lòng yêu nước, cháy bỏng khát vọng độc lập-tự do, kết tinh những tư tưởng và tình cảm cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh-vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.   

Mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Bác đã khẳng định nguyên lý vĩnh cửu về quyền con người dựa trên những lời lẽ đúng đắn, tiến bộ và đã được thừa nhận trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791, lấy đó làm cơ sở lập luận và nền tảng pháp lý. Hai bản tuyên ngôn trên đã hùng hồn khẳng định chân lý về quyền tự do, bình đẳng, quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. Từ quyền con người, Bác “suy rộng ra” thành quyền bình đẳng, quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do của các dân tộc trên thế giới. Không thể có quyền con người nếu quyền bình đẳng giữa các dân tộc không tồn tại. Ngược lại, một khi đã khẳng định quyền con người thì không thể không công nhận quyền tự do độc lập của mọi dân tộc. “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Với cách lập luận chặt chẽ, khéo léo và sắc bén, Người đã đặt 3 cuộc cách mạng, 3 bản tuyên ngôn, 3 nền độc lập ngang hàng nhau, khẳng định tính tất yếu về quyền tự do, bình đẳng, độc lập của dân tộc Việt Nam. 

 

Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Ảnh: Internet
Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Ảnh: Internet

Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đập tan những luận điệu xảo trá của thực dân Pháp, bóc trần những mĩ từ “khai hóa văn minh”, “nhà nước bảo hộ”, phơi bày tội ác của chính quyền thực dân trong suốt hơn 80 năm áp bức, đô hộ đất nước ta. Người kết án đanh thép sự vi phạm trắng trợn quyền sống, quyền tự do của thực dân Pháp đối với nhân dân ta, coi đó là những việc làm “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Bản tuyên ngôn đã vạch trần sự thật lịch sử, rằng thực dân Pháp không chỉ là kẻ phản bội phe đồng minh mà còn là kẻ phản bội lại nguyên lý về quyền con người. Cùng với đó, bản tuyên ngôn cũng khẳng định thái độ khoan hồng đại nghĩa của nhân dân ta đối với người Pháp, khẳng định tính chính nghĩa của một dân tộc “đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp…, gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít”. Đó là sự thật về cuộc đấu tranh kiên cường của nhân dân ta để giành được tự do, độc lập dân tộc, đem lại quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc cho con người. Bằng những dẫn chứng xác thực, lập luận chặt chẽ, bản Tuyên ngôn đã nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc và sức mạnh chính nghĩa của nhân dân ta, đối lập với sự phản nhân đạo và hèn nhát của thực dân Pháp, khẳng định mạnh mẽ về tính tất yếu được hưởng tự do độc lập của dân tộc Việt Nam.

Bản Tuyên ngôn khép lại với lời tuyên bố hùng hồn, đanh thép: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. Đó là những lời lẽ ngắn gọn, giản dị nhưng thể hiện quyết tâm sắt đá của dân tộc ta trong việc bảo vệ nền độc lập, tự do của nước nhà.

Lịch sử đã sang trang nhưng giá trị của bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn còn mãi với thời gian. Tuyên ngôn Độc lập trước hết là một văn kiện lịch sử có giá trị to lớn, tuyên bố về quyền độc lập tự do của dân tộc, khép lại một thời kỳ lịch sử đau thương nhưng vĩ đại, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và cũng mở ra một thời kì mới, thời kỳ đấu tranh giữ vững chủ quyền dân tộc. Tuyên ngôn Độc lập là áng văn chính luận mẫu mực với hệ thống lập luận chặt chẽ đầy sức thuyết phục, lôi cuốn người đọc với giọng văn hào hùng, ngôn ngữ ngắn gọn chan chứa tình cảm. Tuyên ngôn Độc lập còn là tác phẩm kết tinh tầm vóc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mở đầu cho nền văn học cách mạng trên chặng đường mới mang khát vọng độc lập tự do dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Hà Thị Hoài Phương

Có thể bạn quan tâm