Thời sự - Sự kiện

Ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII:

Phân tích, thảo luận những vấn đề “nổi cộm”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau phiên thảo luận tổ, chiều 9-7, các đại biểu tiếp tục tham gia ý kiến chung tại hội trường. Ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) khép lại bằng phần giải trình của UBND tỉnh và các sở, ngành đối với một số vấn đề cần làm rõ.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên phát biểu tại phiên làm việc chiều 9-7. Ảnh: Đ.T
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên phát biểu tại phiên làm việc chiều 9-7. Ảnh: Đ.T

Tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn”

Mở đầu phiên thảo luận tại hội trường, ông Vũ Tiến Anh-Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh đã đại diện thư ký kỳ họp báo cáo kết quả thảo luận tổ vào sáng cùng ngày.

Theo đó, tại kỳ họp này, các đại biểu đã chia thành 5 tổ để thảo luận với 57 lượt ý kiến tham gia. Bên cạnh bày tỏ sự nhất trí cao với các báo cáo của HĐND, Thường trực HĐND, 4 ban HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các ngành, đại biểu đã tập trung “mổ xẻ” những vấn đề nổi cộm, cấp thiết được cử tri quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, trọng tâm vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết.

Thay mặt chủ tọa kỳ họp, ông Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao các ý kiến thảo luận tổ; đồng thời, đề nghị trong phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu tiếp tục tập trung vào những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ trên lĩnh vực kinh tế, thu hút đầu tư, đất đai, quy hoạch, cải cách hành chính… cũng như cho ý kiến về một số dự thảo nghị quyết còn trăn trở, phân vân.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành giải trình thấu đáo đối với những vấn đề mà đại biểu quan tâm, cũng như nội dung kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã nêu tại phiên khai mạc kỳ họp.

Đại biểu Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chư Prông kiến nghị UBND tỉnh quan tâm đến việc đầu tư hệ thống thủy lợi. Ảnh: Đ.T
Đại biểu Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chư Prông kiến nghị UBND tỉnh quan tâm đến việc đầu tư hệ thống thủy lợi. Ảnh: Đ.T

Làm rõ thêm ý kiến thảo luận tại tổ vào sáng 9-7, đại biểu Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chư Prông-cho hay: Thời gian qua, giá cả nhiều mặt hàng nông sản như: lúa, sầu riêng, cà phê, cao su… tăng cao đã tạo sự phấn khởi trong Nhân dân. Tuy nhiên, tình hình nắng hạn gay gắt cũng đã khiến hơn 400 ha cây cà phê trên địa bàn huyện mất mùa từ 30-70%. Để hình thành, phát triển vùng nguyên liệu bền vững, hiệu quả và có thương hiệu, đề nghị UBND tỉnh quan tâm đến việc đầu tư hệ thống thủy lợi nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng; đồng thời, có giải pháp để người dân không rơi vào tình trạng bị ép giá.

Còn đại biểu Nguyễn Hữu Thọ-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đak Đoa thì đề xuất: UBND tỉnh cần có giải pháp bồi dưỡng, tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc trên địa bàn. Cùng với đó, quan tâm mở rộng quy mô và nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường dân tộc nội trú cấp huyện để đáp ứng nhu cầu học tập, hạn chế tình trạng học sinh dân tộc thiểu số bỏ học giữa chừng, kéo theo các hệ lụy như tảo hôn, tệ nạn xã hội…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa lý giải về nguyên nhân diện tích trồng rừng, cây phân tán trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đạt thấp. Ảnh: Đ.T

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa lý giải về nguyên nhân diện tích trồng rừng, cây phân tán trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đạt thấp. Ảnh: Đ.T

Lý giải về nguyên nhân diện tích trồng rừng, cây phân tán trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đạt thấp (mới chỉ trồng được 200 ha trên tổng số hơn 10.000 ha dự kiến), Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cho hay: Vì thời tiết ở Gia Lai thời điểm từ tháng 1 đến tháng 6 còn nắng nóng nên các địa phương chưa triển khai công tác trồng rừng. Đến tháng 6 chỉ mới có 8/17 huyện, thị xã, thành phố gồm: Pleiku, An Khê, Đak Đoa, Chư Păh, Ia Grai, Mang Yang, Đức Cơ, Đak Pơ bắt đầu trồng rừng.

“Thời gian tới, tỉnh cần tăng cường chỉ đạo triển khai công tác trồng rừng, trồng cây phân tán đến các địa phương, chủ rừng, doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức tài trợ để đảm bảo kế hoạch đề ra. Cùng với đó, chỉ đạo thực hiện trồng cây tập trung của các doanh nghiệp tư nhân đã được giao đất trồng rừng, công ty lâm nghiệp; thực hiện có hiệu quả công tác kêu gọi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm triển khai các dự án đầu tư trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh, các dự án kêu gọi đầu tư trồng rừng mới gắn với sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái”-ông Nghĩa đề xuất.

Ngoài ra, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, tỉnh cũng cần triển khai thực hiện trồng rừng thay thế trên diện tích đất quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng của các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, kể cả các diện tích người dân chiếm canh; tiếp tục hỗ trợ người dân trồng rừng; chỉ đạo các công ty lâm nghiệp rà soát quỹ đất để liên doanh, liên kết trồng rừng sản xuất, trên đất trống chưa có rừng và kể cả diện tích người dân chiếm canh để triển khai các dự án trồng rừng do chủ đầu tư thực hiện theo quy định, kết hợp giải quyết vấn đề sinh kế cho người dân chiếm canh từ trồng rừng; rà soát diện tích chiếm canh để kêu gọi các dự án đầu tư trồng rừng kết hợp với giải quyết sinh kế cho người dân…

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa nêu giải pháp đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh 6 tháng cuối năm 2024. Ảnh: Đ.T

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa nêu giải pháp đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh 6 tháng cuối năm 2024. Ảnh: Đ.T

Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 8,6% theo chỉ tiêu Nghị quyết đã đề ra, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa nêu giải pháp: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,02%. Qua phân tích, đánh giá tốc độ tăng trưởng ở 3 khu vực, Sở đã tham mưu UBND tỉnh kế hoạch chi tiết, cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong đó, đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng khu vực I, thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực II.

“6 tháng cuối năm 2024, Gia Lai cần nâng cao chất lượng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với các nhà máy chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, tập trung phát triển nhóm ngành điện; tạo điều kiện để sớm đưa vào vận hành các dự án điện gió trên địa bàn. Cùng với đó, tỉnh tập trung giải phóng mặt bằng ở một số dự án; duy trì các hoạt động tăng trưởng từ lĩnh vực du lịch-dịch vụ…”-Phó Giám đốc Phụ trách Sở Kế hoạch-Đầu tư đề xuất.

Tại phiên thảo luận, bên cạnh giải trình một số nội dung kiến nghị thuộc thẩm quyền, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung cũng thông tin thêm về những điểm mới của Luật Đất đai 2024 mà sau khi luật này có hiệu lực sẽ tháo gỡ được một số vấn đề vướng mắc mà đại biểu quan tâm như: đền bù cây cao su trên đất (tại khoản 5, Điều 103 quy định chủ sở hữu cây trồng tự thu hồi cây trồng trước khi bàn giao lại đất cho Nhà nước); liên quan đến dự án chợ Yên Thế (TP. Pleiku) và các dự án khác có tài sản khác gắn liền với đất (tại khoản 3, Điều 83 quy định khi thu hồi đất có tài sản gắn liền trên đất thì không cần sắp xếp tài sản theo Luật Quản lý tài sản công mà thực hiện trực tiếp theo Luật Đất đai); chuyển đổi cây trồng và trồng dược liệu dưới tán rừng (tại Điều 218 có quy định đất kết hợp đa mục đích, cho phép sử dụng đất rừng để trồng dược liệu, làm các công trình và đất lúa để sử dụng làm các hoạt động du lịch kết hợp)…

Cầu thị, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ

Phát biểu tại kỳ họp, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của chủ tọa kỳ họp và các đại biểu với tinh thần cầu thị và trách nhiệm.

Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của chủ tọa kỳ họp và các đại biểu với tinh thần cầu thị và trách nhiệm. Ảnh: Đ.T

Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của chủ tọa kỳ họp và các đại biểu với tinh thần cầu thị và trách nhiệm. Ảnh: Đ.T

Xác định năm 2024 có ý nghĩa quan trọng; việc hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2024 sẽ quyết định đến việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh cho hay, thời gian đến, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; xác định những chủ trương, giải pháp cần bổ sung, điều chỉnh để tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, nỗ lực phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2024.

Cùng với đó, UBND tỉnh cũng sẽ tập trung chỉ đạo hoàn chỉnh hồ sơ và dự thảo kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết... Đồng thời, chủ động tổ chức thực hiện các quy định pháp luật khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực; tiếp tục phát huy vai trò 4 tổ công tác của UBND tỉnh để tăng cường kiểm tra và tháo gỡ vướng mắc cho từng dự án, chủ đầu tư; tham mưu xây dựng Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2031 hiệu quả, khả thi, tạo khâu đột phá cho sự phát triển của tỉnh.

Ngày mai (10-7), kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh khóa XII sẽ bước vào phiên bế mạc với phần chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh và Ủy viên UBND tỉnh; đồng thời, thảo luận, thông qua các nghị quyết tại kỳ họp.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, phấn đấu thu đạt và vượt dự toán HĐND tỉnh giao; tổ chức rà soát, hướng dẫn và đối thoại với từng nhà đầu tư, từng dự án đầu tư có vướng mắc; tập trung chỉ đạo Sở kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành, địa phương khẩn trương đề xuất UBND tỉnh ban hành Sổ tay hướng dẫn quy trình đầu tư ngoài ngân sách, đảm bảo thống nhất, công khai, minh bạch. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có giải pháp khắc phục đối với các chỉ số PCI, PGI, PAPI, PAR INDEX… Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội; tiếp tục nghiên cứu đổi mới cách thức tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch; đảm bảo công tác an sinh xã hội, chăm lo các gia đình chính sách, người có công. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

“UBND tỉnh sẽ rà soát tất cả các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2024, nhất là các chỉ tiêu đang đạt thấp để có giải pháp hiệu quả phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra. Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc các cấp, các ngành giải quyết dứt điểm, kịp thời các vấn đề nổi cộm, các kiến nghị của cử tri; trong đó xác định rõ thời gian, nguồn lực, cơ quan có thẩm quyền giải quyết gắn với trách nhiệm người đứng đầu. UBND tỉnh tiếp tục giữ vững sự đoàn kết, thống nhất cao trong chỉ đạo, điều hành, phát huy sức mạnh tập thể, đề cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên UBND tỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế; chỉ đạo các cấp, các ngành ở tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành; đổi mới mạnh mẽ về tư duy, cách thức làm việc, nâng cao trách nhiệm, công tác phối hợp để tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ”-Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh cho biết.

Quang cảnh ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh Gia Lai khoá XII. Ảnh: Đ.T
Quang cảnh ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh Gia Lai khoá XII. Ảnh: Đ.T

Thay mặt chủ tọa kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên ghi nhận các ý kiến giải trình của lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành; đồng thời, đề nghị UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện theo đúng nội dung đã phát biểu tại kỳ họp. Chủ tịch HĐND tỉnh cũng yêu cầu đại biểu HĐND, các ban HĐND tỉnh theo dõi, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện đối với các nội dung liên quan.

“Đối với việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, tôi đề nghị UBND tỉnh và các ngành cần quan tâm thêm, nhất là đối với những ý kiến, kiến nghị chính đáng đã được đề nghị nhiều lần”-Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.

Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên cũng cho ý kiến đối với 3/32 tờ trình của UBND tỉnh mà đại biểu còn băn khoăn trong phiên thảo luận tại tổ và hội trường. Theo đó, đối với dự thảo nghị quyết về số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, Thường trực HĐND đề nghị tạm thời giữ nguyên số lượng của năm 2024 như năm 2023. Cuối năm 2024, UBND tỉnh sẽ trình xin ý kiến để sớm có quyết định triển khai cho năm 2025. Về 2 dự thảo nghị quyết liên quan đến lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, khi thực hiện theo luật mới sẽ thống nhất 3 lực lượng hiện có. Vì vậy, các địa phương tiếp tục tính toán, thực hiện chế độ, mức chi cho lực lượng này. Riêng dự thảo nghị quyết về quy định mức thu, đơn vị tính phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tiếp tục lấy thêm ý kiến của đại biểu tại kỳ họp để xem xét, quyết định.

Có thể bạn quan tâm