Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Phát hiện bàn đá mài của người tiền sử tại Chư Păh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo lời giới thiệu của anh Phan Nguyên Trị-công chức xã Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), một người rất có trách nhiệm với di sản văn hóa địa phương, chúng tôi tìm đến Khu du lịch sinh thái Đặng Gia Trang (tổ 1, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) gặp ông Đặng Thanh Vân để xem một hiện vật đá mà gia đình ông mới tìm thấy.
Ông Vân cho biết: Gần đây, khi đào hố trồng cây trên đám rẫy thuộc khu vực chân núi Chư Pao, gia đình ông bắt gặp phiến đá này, thấy lạ nên mang về rửa sạch để chơi chứ cũng không hiểu đó là gì. Nơi cư trú hiện tại của gia đình ông nằm cạnh một dòng suối nhỏ, có nhiều tảng đá lớn phân bố rải rác. Gần nơi ông thường làm rẫy còn hiện hữu những vòm đá tự nhiên khá lớn, kiểu như hang động.
Quan sát thực tế thì hiện vật mà ông Vân đang sở hữu là một phiến đá màu trắng đục, có hình khối đông đặc, gần với hình chữ nhật. Độ dài nhất của một cạnh đo được là 26,5 cm, cạnh ngắn nhất 21 cm; chỗ rộng nhất 15 cm, chỗ hẹp nhất 11 cm; chỗ dày nhất 8 cm, mỏng nhất chỉ 3 cm. Phiến đá nặng 2,9 kg, mỗi mặt phẳng đều có 2 rãnh gần như song song nhẵn thín, sâu gần 1 cm, rộng 3-4 cm.
Ông Đặng Thanh Vân và bàn mài đá có niên đại cách nay 4.000-3.500 năm. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Ông Đặng Thanh Vân và bàn mài đá có niên đại cách nay 4.000-3.500 năm. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Xem xét những hình ảnh chúng tôi gửi, TS. Lê Hải Đăng (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho rằng, đây là bàn mài rãnh của người tiền sử. Các vết lõm tương đương với kích thước của loại bôn, rìu hay cuốc đá mà chủ nhân của chúng từng sử dụng trong quá trình mài trơn. Thuộc thời đại Đá mới, giai đoạn Hậu kỳ ở Tây Nguyên, hiện vật có niên đại cách nay khoảng 4.000-3.500 năm, kéo dài cho đến hậu kỳ thời đại Kim khí sau này.
Bàn đá mài cùng các công cụ đá được tìm thấy tại xã Ia Phí và thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh). Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Bàn đá mài cùng các công cụ đá được tìm thấy tại xã Ia Phí và thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh). Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Trao đổi với chúng tôi, TS. Lê Hải Đăng cho biết thêm, đây là dạng bàn mài được làm từ một loại đá đặc biệt, có tên là cát kết bột (có người còn gọi là đá bột kết sét). Sở dĩ các nhà địa chất định danh như vậy là vì thành phần của nó được tạo bởi hàm lượng cát nhiều hơn bột. Đây là đặc tính nổi trội, phù hợp với công năng của bàn mài đá. Điều đó cũng cho thấy cư dân cổ giai đoạn ấy đã có trình độ tương đối cao trong việc lựa chọn chất liệu đá để chế tác công cụ.
Cùng với khá nhiều bôn, rìu, cuốc đá mà người dân thu nhặt được khi lao động tại Chư Păh thời gian qua, việc tìm thấy bàn mài đá của người tiền sử tại thị trấn Phú Hòa một lần nữa tiếp tục khẳng định: Hoạt động khảo sát, tìm kiếm di chỉ khảo cổ Hậu kỳ Đá mới tại khu vực này là có cơ sở. Về cơ bản, rất có thể, huyện Chư Păh ngày nay-trong mối liên hệ mật thiết với di chỉ khảo cổ học nổi tiếng Lung Leng (Kon Tum)-hàng ngàn năm trước từng là một địa điểm cư trú của người xưa.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm