Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Phát hiện bảo kiếm thời Lý - Trần?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vừa qua tôi được nhà sưu tập Phạm Tuấn Huy ở Hà Nội gửi cho một số hình ảnh về thanh kiếm mà ông sưu tập được cùng với lời chú thích: “Đây là thanh kiếm thời Lý có khắc và mạ vàng 8 con rồng cùng mây lửa”.

Thoạt nhìn tôi đã bị cuốn hút rồi giật mình khi phát hiện ra hình ảnh mặt trời ở phần đầu kiếm được nhiều rồng nối tiếp nhau chầu vào, và tôi đã liên tưởng ngay đến thanh bảo kiếm được phát hiện ở Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và nhất là thanh bảo kiếm Thái A của vua Gia Long đang lưu giữ tại Bảo tàng Quân sự Pháp tại Paris.

 

Thanh kiếm trưng bày ở Hoàng thành. Ảnh: KDT Hoàng thành Thăng Long
Thanh kiếm trưng bày ở Hoàng thành. Ảnh: KDT Hoàng thành Thăng Long



Thanh kiếm ở Hoàng thành Thăng Long

Thanh kiếm được phát hiện khi khai quật Hoàng thành Thăng Long đang trưng bày ở khu di tích và được chú thích: “Thanh kiếm cẩn tam khí hình nhân vật và hoa lá, sắt, thời Trần, thế kỷ 13 - 14”. Hiện trạng của kiếm đã bị biến dạng, một đoạn bị bẻ gập gần như gãy, phần chuôi đã bị mất. Kiếm dài 83,4 cm.

Về kiểu dáng, ở phần mũi mang đặc điểm điển hình của đao, bởi đó là phần rộng bản nhất và mũi được vát cao lên thành mũi nhọn phía trên để tạo sức mạnh khi chém. Tóm lại, với kiểu thức này đã cho thấy chức năng của nó là thiên về chém nhiều hơn đâm. Một điều thú vị nữa là ở phần sống mũi kiếm được tạo hình vân kiên.

Về hoa văn và trang trí, lưỡi kiếm được trang trí cả hai mặt và trên sống lưỡi. Hai mặt lưỡi đều có đồ án giống nhau và gồm có các loại hình: 1 mặt trời, 3 người, 2 hoa, 1 chim, 7 mây và 1 dải dây lá có 20 mây nhỏ ở một bên, trong đó mặt trời nằm ở phần mũi kiếm, còn các loại hình thì nằm lui dần về phía chuôi kiếm. Trên sống lưỡi được trang trí 2 loại hình là mây và hoa liên hoàn theo suốt chiều dài đến chỗ nhỏ nhất không thể trang trí được thì hết. Tất cả hoa văn trên lưỡi và sống đều được cẩn tam khí (vàng, bạc, đồng) như chú thích.

 

Bản vẽ họa tiết trang trí trên kiếm. Ảnh: KDT Hoàng thành Thăng Long
Bản vẽ họa tiết trang trí trên kiếm. Ảnh: KDT Hoàng thành Thăng Long



Thanh kiếm của nhà sưu tập Phạm Tuấn Huy

Kiếm bằng sắt giống như kiếm thời Trần nêu trên. Phần lưỡi có chiều dài 47,5 cm, bản rộng nhất 4,5 cm, nhỏ nhất 1,7 cm, độ dày trên sống lưỡi 0,9 cm. Phần chuôi không phải của kiếm mà là của một thanh kiếm khác được gắn vào. Về kiểu dáng, nhìn chung là giống với kiếm nêu trên và cũng thiên về chém. Về hoa văn và trang trí: Lưỡi kiếm được trang trí ở cả hai mặt và có đồ án giống nhau, mỗi mặt được bắt đầu từ đầu kiếm là hình ảnh mặt trời có mây đối xứng ở hai bên, tiếp đến là 4 hình rồng nối đuôi nhau chầu vào. Tiếp nữa là hoa văn dây lá uốn lượn hình sin. Tất cả hoa văn đều được thể hiện bằng kỹ thuật chạm chìm rồi cẩn vàng.

 

 
Thanh kiếm thuộc bộ sưu tập Phạm Tuấn Huy. Ảnh: PTH. Ảnh: Nhận định
Thanh kiếm thuộc bộ sưu tập Phạm Tuấn Huy. Ảnh: PTH.


Nhận định

Với sự phát hiện về hoa cúc và mặt trời là biểu tượng vương quyền của các triều đại quân chủ ở nước ta, điển hình là thanh kiếm Thái A của vua Gia Long hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Quân sự Pháp ở Paris, cũng được trang trí hình mặt trời ở lưỡi kiếm, hoa cúc và rồng ở chuôi kiếm (xem: Giải mã thanh kiếm Thái A của vua Gia Long, đăng trên Báo Thanh Niên ngày 12.10.2021). Tương tự như 2 thanh kiếm ở đây sẽ được giải thích như sau.

Thanh kiếm thời Trần phát hiện ở Hoàng thành: Trước tiên, xét về hình người cho thấy được đứng trên vân mây theo hướng mặt trời ở trên đầu. Như vậy, đã cho biết một khung cảnh được bố cục và diễn đạt theo hướng từ dưới đất lên trời, tương ứng với chiều của kiếm là mũi hướng lên như sau: Từ phần lưỡi giáp chuôi kiếm, bắt đầu là bệ sen, trên bệ sen là cột dây lá uốn lượn theo kiểu hình sin hướng lên (chiếm hết phân nửa chiều dài của lưỡi kiếm). Tiếp đến là hình người đứng trên cột dây lá, rồi hoa, mây, người đứng trên vân mây, mây, chim, hoa, mây, người đứng trên vân mây, mây, rồi trên cùng là mặt trời có mây đối xứng ở hai bên. Hình như ở đây đã có sự phân tầng, trong đó một số loại hình có thể được giải mã: Cột dây lá có phần đế là bệ sen đã cho biết đó là dây lá thiêng. Tiếp đến là hoa được phối chung với mặt trời thì rõ ràng không còn nghi ngờ gì bởi đó là hoa cúc (hoa cúc là biểu tượng của mặt trời, Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới, tr.222). Như vậy, với 2 yếu tố mặt trời và hoa cúc chính là biểu tượng của vương quyền được thể hiện ở trên kiếm, và thanh kiếm này chắc chắn là nằm trong sở hữu của hoàng gia. Hình thù bị biến dạng của kiếm cho thấy rất có thể nó đã trải qua một trận binh đao mà có thể là chống quân Nguyên Mông xâm lược.

Thanh kiếm của nhà sưu tập Phạm Tuấn Huy cho thấy được bắt đầu là dải dây lá từ phía chuôi kiếm hướng lên và đây cũng là dây lá thiêng. Tiếp đến là 4 hình rồng nối đuôi nhau bay lên chầu vào hình mặt trời ở trên cùng nằm ở vị trí đầu kiếm. Về nghệ thuật tạo hình rồng, được thể hiện đơn giản là những nét mạ vàng nhỏ uốn khúc vòng lên vòng xuống theo kiểu lượn sóng hình sin, nhưng vẫn mang đầy đủ đặc điểm của rồng thời Lý là uốn khúc thắt eo mà các nhà chuyên môn gọi là hình “thắt túi”. Về ý nghĩa của đồ án trang trí, điều thú vị ở đây là các loại hình được phối cùng nhau như, dây lá, rồng, mặt trời. Nhưng đáng chú ý nhất là giữa rồng và mặt trời, bởi thường được các nghệ nhân xưa thể hiện mặt trời là trung tâm với hai bên là rồng đối xứng chầu vào. Nhưng ở đây mặt trời lại được đặt ở vị trí đầu kiếm và phía dưới nó là rồng bay lên chầu vào. Phải nói đây là đồ án đầu tiên được biết đến nhưng hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, bởi như chúng ta đã biết đao hay kiếm thì đều là biểu trưng cho quyền lực của một quốc gia, nhưng lại được trang trí mặt trời một biểu tượng của vương quyền đã chỉ ra rằng, chủ sở hữu ít nhất cũng là tướng lĩnh cao cấp trong hoàng tộc.

Tóm lại, với biểu tượng mặt trời và hoa cúc ở 2 thanh kiếm được phát hiện ở đây cùng với mặt trời và hoa cúc ở thanh kiếm Thái A của vua Gia Long, đã cho thấy một sự tiếp nối và kế thừa ít nhất cũng từ thời Lý - Trần cho tới Nguyễn. Đồng thời, biểu tượng này còn ẩn dụ một sức mạnh thiêng liêng của trời mà các vua thường cho mình là thiên tử (con trời), để bảo vệ đất nước và trừng trị quân xâm lược.

Với tư cách là người nghiên cứu, tôi mong rằng các cơ quan chức năng như bảo tàng cần xem xét về thanh kiếm của bộ sưu tập tư nhân nêu trên, bởi cho đến nay mới chỉ phát hiện 2 thanh kiếm loại này. Rất nên thành lập một Hội đồng khoa học để đánh giá, nếu thấy cần thiết thì có thể thương lượng với nhà sưu tập, để lưu trữ và phát huy giá trị hiện vật đã từng gắn với một quá khứ hào hùng của dân tộc.

 

Theo Vũ Kim Lộc (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm