Sức khỏe

Nâng cao năng lực về phát hiện, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật cho 54 nhân viên y tế Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 9-10, tại TP. Pleiku, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực về phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật cho nhân viên y tế tỉnh Gia Lai. Lớp tập huấn có sự đồng hành, hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).

Tham dự lớp tập huấn có ông Vương Ánh Dương-Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, bác sĩ Nguyễn Huy Du-đại diện Văn phòng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam; đại diên Sở Y tế và 54 cán bộ, nhân viên y tế phụ trách Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, bác sĩ phục hồi chức năng bệnh viện tuyến huyện, xã trên địa bàn tỉnh.

z5911525115805-dfaf2f71aad9eaadae2932f16a433297-5604.jpg
Ông Vương Ánh Dương-Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh phát biểu khai mạc tập huấn. Ảnh: Như Nguyện

Lớp tập huấn diễn ra trong 3 ngày; trong đó 2 ngày 9 và 10-10, các học viên nghe giảng lý thuyết. Ngày 11-10, các học viên thực hành.

Theo đó, giảng viên đến từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin các chuyên đề: Tổng quan về khuyết tật; Quyết định số 359/QĐ-BYT ngày 31-1-2023 ban hành tài liệu Phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật; hướng dẫn triển khai phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật ở tuyến huyện và xã, kết nối chuyển tuyến xác định khuyết tật; giới thiệu Quyết định số 3815/QĐBYT ngày 21-7-2017 của Bộ Y tế về việc triển khai Hệ thống thông tin Quản lý sức khỏe, phục hồi chức năng người khuyết tật và vai trò của trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã trong triển khai Quyết định số 3815/QĐ-BYT.

Các học viên cũng được hướng dẫn thực hiện sàng lọc, phát hiện rối loạn phát triển và dấu hiệu nghi ngờ khuyết tật; khám đánh giá, phân loại khuyết tật và đánh giá nhu cầu can thiệp; phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật vận động; phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật nghe nói.

Ngày 11-9, các học viên thực hành phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật trên bệnh nhi tại cơ sở khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền-Phục hồi chức năng Gia Lai. Tại lớp tập huấn, học viên sẽ trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, thảo luận, nêu các vấn đề vướng mắc và được giảng viên giải đáp cụ thể.

Phát biểu khai mạc tập huấn, ông Vương Ánh Dương-Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết: Việt Nam có khoảng 1,2 triệu trẻ em khuyết tật độ tuổi 0-17. Phòng ngừa khuyết tật và phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật ở trẻ em là mục tiêu đầu tiên hết sức quan trọng trong chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 569/QĐ-TTG ngày 24-5-2023.

z5911525088359-5246f045003ada197c6e723dfccacb01-3137.jpg
54 nhân viên y tế Gia Lai tham gia tập huấn nâng cao năng lực về phát hiện, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật. Ảnh: Như Nguyện

Trong đó, mục tiêu chung bảo đảm người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ nâng cao sức khỏe Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Mục tiêu cụ thể là tăng cường phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, đảm bảo trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật; 90% các tỉnh, thành phố triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

Sau tập huấn, các học viên nắm được kiến thức, lý thuyết, học tập kỹ năng thực hành triển khai phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật tại cộng động; đồng thời tiếp tục hướng dẫn chuyên môn, hướng dẫn sàng lọc khuyết tật và chia sẻ các kinh nghiệm cho mạng lưới nhân viên y tế và cộng đồng giúp họ tăng năng lực trong việc phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật ở trẻ em; hỗ trợ trẻ khuyết tật và gia đình tiếp cận những thông tin và dịch vụ cho trẻ khuyết tật tại cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm