Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Phát hiện di vật Champa tại Chư Păh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo nguồn tin của cán bộ Văn hóa xã Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), chúng tôi về thăm gia đình ông bà Bùi Văn Trị-Võ Thị Vạn ở thôn 3, tìm hiểu về một hiện vật Chăm mới tình cờ được tìm thấy. 
Ông Trị kể, cách đây ít lâu, để tái canh rẫy cà phê, gia đình ông đã thuê máy múc đất, có chỗ đào sâu cả mét. Sau đó, một hôm, vợ chồng ông đi làm, phát hiện thấy một hiện vật khác lạ, lại khá đẹp mắt nên đã mang về nhà, rửa sạch. Hay tin, bà con hàng xóm đến xem khá đông, thậm chí đã có người từ xa đến hỏi mua "hòn đá mài dao" ấy.
Theo quan sát của chúng tôi, vật được làm từ đá (sa thạch) gồm 2 bộ phận có liên quan với nhau. Bộ phận thứ nhất có hình dáng giống với một chiếc đe. Bộ phận thứ 2 là một hình trụ tròn, đặc, bóng láng, tựa 1 cái chày. Phần mặt “đe” được mài nhẵn, phẳng lì. Trong khi đó, chân hiện vật như choãi ra khi được đặt xuống đất. Tuy không có chữ hoặc hoa văn nhưng có thể thấy, hiện vật được tạo tác một cách khéo léo, hướng đến những ứng dụng mang tính thực tế.
Hiện vật nặng 14,3 kg, trong đó, bộ phận “đe” 11,3 kg và “chày” 3 kg. Kích thước mặt “đe” ở chỗ dài nhất đo được 36 cm, chỗ rộng nhất 17,5 cm và nơi hẹp nhất là 13,5 cm. Khoảng cách từ mặt dưới của chân đế đến mặt trên cùng của “đe” là 14 cm.  Bộ phận “chày” có độ dài 26 cm, đường kính 8,5 cm.
Tại Gia Lai, dường như đây là hiện vật đầu tiên được tìm thấy (Bảo tàng tỉnh hiện không có hiện vật này-N.V). Trong khi đó, ở một số địa phương khác như Bình Định, Quảng Ngãi, Lâm Đồng…, từ lâu đã biết đến loại “đe” và “chày” đá vừa nêu. Theo đó, Bảo tàng các tỉnh trên đều thống nhất gọi đây là bộ chày nghiền/bàn nghiền… của người Chăm. Về niên đại hiện vật, có nơi cho rằng, nó xuất hiện khá sớm, từ khoảng thế kỷ VII nhưng cũng có địa phương xác định biên độ dao động hơn, vào thế kỷ XI-XIII.
 Ông Bùi Văn Trị và hiện vật Chăm mới được tìm thấy. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Ông Bùi Văn Trị và hiện vật Chăm mới được tìm thấy. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương (nguyên cán bộ Bảo tàng Champa TP. Đà Nẵng) và TS. Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học) đều cho rằng, đây là bộ bàn nghiền. Xưa kia, người Chăm dùng nó để nghiền các loại hạt, không chỉ phục vụ nhu cầu ăn uống, làm gia vị mà nhiều khi còn để tạo màu, phục vụ lễ hội. Người Chăm gọi bộ hiện vật trên là pesani/pêsani. Trong khi đó, TS. Đinh Bá Hòa (nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định) lại cho rằng, mặc dù loại hiện vật này gắn với đời sống thường ngày của người Chăm xưa nhưng nó có thể còn liên quan đến yếu tố tín ngưỡng.
Thông tin bàn nghiền có mối liên hệ với Linga (“chày”: dương), Yoni (“đe”: âm) của TS. Đinh Bá Hòa không được nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương chia sẻ. Ông cho rằng, không nên nhìn văn hóa Champa đâu cũng là Linga và Yoni. Ông Trần Kỳ Phương dẫn chứng thêm rằng, đồ vật này hiện đang được nhiều người Ấn Độ sử dụng ngay trên đất nước họ.
Dịp này, chúng tôi đã dành ra một khoảng thời gian đáng kể để tìm hiểu về loại “đe” và “chày” vừa nêu. Hóa ra, đúng như nhiều nhà khoa học đã thừa nhận: Nghiên cứu về hiện vật kể trên vẫn còn quá nhiều khoảng trống, trừ việc thống nhất xác định đây là di vật (bàn nghiền) của người Chăm, dùng để nghiền hạt…
Cho đến nay, nhiều tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai đã tìm thấy đền tháp, tượng, bia ký… Champa. Việc phát hiện thêm một bộ hiện vật đá còn nguyên vẹn của người Chăm tại Chư Păh, cho phép các nhà nghiên cứu có cơ hội tìm hiểu sâu và rộng hơn về một nền văn hóa từng hiện diện ở Tây Nguyên nhiều thế kỷ trước.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm