Văn hóa

Cổ học tinh hoa

phát hiện hộp sọ 13 triệu năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việc phát hiện một hộp sọ 13 triệu năm tuổi thuộc về loài linh trưởng chưa từng được tìm thấy trước đây có thể cung cấp manh mối mới nhằm hóa giải bí ẩn về nguồn gốc loài người.

Tổ tiên của loài người mà chúng ta vẫn biết, tức Homo sapiens (người thông minh), mới xuất hiện tối đa chỉ hơn 300.000 năm, dựa trên những phiên bản giả thuyết khác nhau về lịch sử nhân loại lần lượt đăng trên chuyên san Nature. Các chuyên gia cũng biết được tổ tiên chung của loài người và tinh tinh (họ hàng linh trưởng gần nhất) từng sống ở châu Phi cách đây từ 6 - 7 triệu năm.

 

Hộp sọ cực hiếm mang tên Alesi.
Hộp sọ cực hiếm mang tên Alesi.

Tuy nhiên, thông tin về những tổ tiên xa xưa hơn mà chúng ta chia sẻ với các loài vượn người hiện đại lại rất ít ỏi. Vì vậy, việc tìm thấy hộp sọ gần như giữ nguyên hiện trạng cách đây 13 triệu năm được hy vọng sẽ mang đến những thông tin mới về di sản tiến hóa chung giữa vượn và người.

Hộp sọ thuộc về một cá thể mới được 16 tháng tuổi vào thời điểm thiệt mạng thuộc về loài vượn người cổ đã tuyệt chủng mang tên Nyanzapithecus alesi. Một nhà săn hóa thạch người Kenya, John Ekusi vào năm 2014 đã tìm thấy nó nằm khuất trong những lớp đá cổ đại ở Napudet, phía tây hồ Turkana thuộc miền bắc nước này. Nó được đặt tên là Alesi, theo từ “tổ tiên” của ngôn ngữ Turkana địa phương.

Sọ của Alesi là hóa thạch xương đầu hoàn chỉnh của linh trưởng, thuộc về loài vượn người đã tuyệt chủng, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature.

Trưởng nhóm nghiên cứu Isaiah Nengo của Đại học Stony Brook (Mỹ) cho biết một số đặc điểm của loài này đã chứng minh nó có mối liên hệ sâu xa với loài vượn người hiện đại, và được xem là tổ tiên sâu xa nhất của loài người cho đến nay.

“Nyanzapithecus alesi là một nhóm của họ linh trưởng từng sống ở châu Phi trong hơn 10 triệu năm trước”, theo ông Nengo, nói thêm “việc phát hiện Alesi cho thấy nhóm này gần với nguồn gốc của vượn người hiện đại cũng như con người, và đây là tổ tiên của người châu Phi”. Đồng tác giả Craig Feibel, Giáo sư Đại học Rutgers tại New Jersey, lại chỉ ra một khía cạnh khác. Theo đó, vị trí và kết cấu địa chất của Napudet cung cấp cho chúng ta một cái nhìn hiếm hoi về cảnh quan châu Phi vào khoảng 13 triệu năm trước. “Một núi lửa trong vùng đã chôn vùi khu rừng nơi bé vượn người đang sống, bảo tồn được hóa thạch quan trọng và vô số cây cổ thời đó. Chúng tôi cũng tìm được những khoáng chất núi lửa then chốt cho phép xác định niên đại của hóa thạch”, theo giáo sư Mỹ.

Nhận định về báo cáo trên, nhà nhân chủng học, tiến sĩ Brenda Benefit của Đại học bang New Mexico (Mỹ) công nhận nhóm của chuyên gia Nengo đã tìm được một hóa thạch cực hiếm mà theo ông cho rằng vô phương xuất hiện khi mình còn sống. Lý do là khu sinh thái của rừng mưa rất khó được bảo tồn dưới dạng hóa thạch.

Phát hiện mới sẽ giúp giới nghiên cứu tìm ra lỗ hổng thông tin lâu nay có liên quan đến những khả năng thích nghi từng tác động đến lịch sử tiến hóa của vượn người và loài người. Bên cạnh đó, họ sẽ có thêm kiến thức về ít nhất một loài vượn cổ đại đã tuyệt chủng.

Hạo Nhiên/thanhnien

Có thể bạn quan tâm