(GLO)- Đầu tháng 5-2021, sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân về việc tìm thấy một số rìu đá tại khu vực suối Ia Nan (xã Ia Nan và Ia Pnôn, huyện Đức Cơ), Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã tiến hành khảo sát thực địa, bước đầu phát hiện di tích tiền sử hậu kỳ Đá mới.
Được sự chỉ dẫn nhiệt tình của anh Phan Xuân Sáng (làng Ia Chía, xã Ia Nan), chúng tôi tìm đến khu đất phát hiện rìu đá. Đây là khu vực rẫy của ông Bùi Văn Lợi, nằm ở ngã ba của 2 con suối Ia Nan và suối C12. Vị trí phát hiện di vật khảo cổ cách quốc lộ 14C khoảng 800 m về hướng Tây, cách quốc lộ 19 khoảng 4.000 m về hướng Bắc. Di vật khảo cổ phân bố trên gò đất cao khoảng 3-4 m so với mặt nước suối vào mùa khô.
Qua khảo sát, địa tầng khu đất dày khoảng 30-50 cm, đất bazan màu nâu đỏ lẫn nhiều sạn sỏi đầu ruồi. Trên mặt đất, chúng tôi thu thập được nhiều rìu, bôn mài toàn thân, phác vật rìu, bôn bằng đá phtanite và silic hạt mịn, bàn mài bằng sa thạch (đá cát kết), ngoài ra còn có mảnh tước và nhiều mảnh gốm tiền sử. Một số mảnh gốm có hoa văn khắc vạch là những đường thẳng chạy song song. Những di vật chúng tôi thu thập được là do người dân địa phương đào hố trồng hồ tiêu và điều bật lên bề mặt.
Một số rìu, bôn tìm thấy tại khu vực suối Ia Nan (xã Ia Nan và Ia Pnôn, huyện Đức Cơ). Ảnh: X.T |
Trước đó, tháng 4 và tháng 5-2015, Viện Khảo cổ học đã triển khai thực hiện đề tài: “Điều tra khảo cổ học tiền sử đôi bờ Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai” do ông Phan Thanh Toàn làm chủ nhiệm. Đoàn khảo sát gồm: ông Phan Thanh Toàn (Viện Khảo cổ học), ông Huỳnh Bá Tính (Bảo tàng tỉnh Gia Lai) và ông Phạm Văn Vinh (Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Prông). Tại đây, đoàn khảo sát đã phát hiện 15 di tích khảo cổ học tiền sử.
Đây là các địa điểm di chỉ-xưởng chế tác rìu có vai bằng đá opal và phtanite như các làng: Gà 1, Gà 2, Gà 3, K’Luk 1, K’Luk 2, K’Luk 3 (xã Ia Boòng), di tích thôn Yên Me 1, Ia Me 2 và Ia Me 3 (xã Ia Me), di tích làng Phìn (thị trấn Chư Prông). Các di tích này có một số đặc trưng chung là: cùng phân bố trên thềm bậc 1 (riêng di chỉ Ia Me 1 thuộc thềm bậc 2) của suối Ia Mơr, cách nhau từ 0,5 km đến 1,5 km, nằm cả 2 bờ suối và thường tập trung nhiều ở khúc cong của suối Ia Mơr. Tầng văn hóa mỏng, trung bình 0,4 m, cấu tạo đất bazan màu nâu đỏ, mịn, bên trong địa tầng có công cụ mài toàn thân, mảnh tước, bàn mài và mảnh gốm tiền sử, không có dấu tích hữu cơ đi kèm. Những chiếc rìu, bôn đá chủ yếu làm từ đá phtanite và opal, kỹ thuật chính là ghè đẽo, xuất hiện kỹ thuật mài toàn thân công cụ, loại hình chủ đạo là rìu có vai.
Qua khảo sát bước đầu và so sánh với các di tích và di vật khảo cổ được khai quật và nghiên cứu trước đây như: thôn 7 (thị trấn Chư Prông), làng Ngol (xã Ia Glai, huyện Chư Sê), Tai Pêr (xã Ia Ko, huyện Chư Sê), nhất là hệ thống các di tích đôi bờ Ia Mơr kể trên, chúng tôi nhận thấy, di tích ở Ia Pnôn có nhiều điểm tương đồng về loại hình, chất liệu, kỹ thuật chế tác… Do vậy, niên đại dự đoán của di tích có tuổi từ 4.000 năm đến 3.000 năm cách ngày nay, thuộc giai đoạn hậu kỳ Đá mới.
Điều đặc biệt ở di tích này là tìm thấy nhiều rìu, bôn mài hoàn thiện, nhiều bàn mài và gốm tiền sử nhưng lại rất ít mảnh tước, điều này có sự khác biệt so với một số di tích công xưởng (works shop) hậu kỳ Đá mới đã được phát hiện và nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Do vậy, rất có thể ở Ia Pnôn là di tích cư trú, có sự giao thương, trao đổi sản phẩm với những nơi khác.
Đây mới chỉ là những phát hiện và khảo sát bước đầu. Để làm rõ tính chất, chủ nhân, niên đại cũng như giá trị di tích cần có những bước nghiên cứu tiếp theo một cách đầy đủ và có hệ thống. Qua đó, phác họa một cách đầy đủ hơn bức tranh thời tiền sử ở Gia Lai, Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
XUÂN TOẢN-ANH MINH-BÁ TÍNH