Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Phát hiện nhiều hiện vật giá trị tại Di tích Chăm Phong Lệ, Đà Nẵng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Qua khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật đá, di vật có giá như gạch ngói và trang trí kiến trúc bằng đá cát, gốm thô Champa, trong đó chủ yếu là tượng động vật.

 
Các nhà khoa học giới thiệu về những hiện vật Chăm sau quá trình khai quật. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Các nhà khoa học giới thiệu về những hiện vật Chăm sau quá trình khai quật. Ảnh: VGP/Lưu Hương



Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vừa công bố các kết quả ban đầu về việc khai quật Di tích Chăm ở làng Phong Lệ, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ. Đây là lần thứ ba, việc khai quật tại di tích này được tiến hành, trên tổng diện tích gần 350 m2.

Qua khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật đá, di vật có giá như gạch ngói và trang trí kiến trúc bằng đá cát, gốm thô Champa, trong đó chủ yếu là tượng động vật như: Tượng tròn sư tử Sinha chất liệu đá (còn tương đối nguyên vẹn, có chiều dài 0,44 m, rộng 0,45 m, cao 1,09 m), bệ trụ điêu khắc voi (không còn nguyên vẹn, với chiều dài 0,8 m, rộng 0,5 m, cao 0,34 m), chóp đền tháp với 4 tiêu bản, rắn thần bằng đá thạch anh có màu xám…

Trong 3 lần khai quật, đều phát hiện nhiều mảnh gốm sứ thời Tống rất mỏng, có xương trắng, màu men trắng xanh. Đó là mảnh vỡ của những đồ thờ được sử dụng trong nghi lễ như những phát hiện tại đền tháp Champa ở miền Trung Việt Nam.


 

Các hiện vật sau khai quật. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Các hiện vật sau khai quật. Ảnh: VGP/Lưu Hương



Dựa trên tổ hợp loại hình vật liệu xây dựng với loại trang trí và các trang trí kiến trúc bằng đá cát Champa, gốm men thời Tống,… các nhà khoa học, khảo cổ đề xuất niên đại khởi dựng của Phong Lệ vào khoảng đầu thế kỷ 10 và được duy trì thờ tự cho đến ít nhất vào thế kỷ 12.

Kết quả khai quật Di tích Chăm Phong Lệ năm 2018 đã làm rõ một phần bình đồ kiến trúc tổng thể đền tháp với những đặc trưng kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc và tín ngưỡng của người Champa. Các nhà khảo cổ đề nghị tiếp tục khai quật mở rộng khu vực phía nam của khu di tích để làm rõ mặt bằng, tính chất kiến trúc, dựa trên các hiện vật đã được phát lộ để mở một số hố thăm dò ở các phía bắc, nam, tây nhằm làm nghiên cứu sâu về di tích.

Ông Hồ Tấn Tuấn-Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết, Bảo tàng đã có không gian trưng bày hiện vật Chăm và sẽ xây dựng khu trưng bày dành riêng cho Di tích Chăm Phong Lệ.

Bảo tàng cũng đề nghị xây dựng hồ sơ công nhận Di tích Chăm Phong Lệ là di tích cấp thành phố để có kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di tích trong tương lai.

Lưu Hương (chinhphu.vn)

Có thể bạn quan tâm