Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội; phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Di sản văn hoá Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: DLVN |
“Văn hóa còn thì dân tộc còn”
Việt Nam là một quốc gia nằm ở khu vực Đông Nam Á, nằm ở ngã tư đường của các nền văn minh. Với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng lắm mưa nhiều, cư dân sống tập trung ở vùng đồng bằng ven các con sông, nên văn hóa Việt Nam được hình thành dựa trên nền tảng của văn minh lúa nước.
Với đặc trưng là đất nước nông nghiệp, nền văn hóa Việt Nam bị quy định bởi ba hằng số là “nông dân, nông nghiệp và nông thôn”.
Theo GS.TS Vũ Minh Giang - Đại học Quốc gia Hà Nội: “Những căn tính nông dân, những đặc trưng của một xã hội nông nghiệp có ảnh hưởng rất lớn đến tất cả mọi giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam”. Nông nghiệp Việt Nam ngay từ ban đầu là một nền nông nghiệp trồng nước (lúa nước), khác với nền nông nghiệp trồng khô (tiểu mễ, cao lương, lúa mạch) của Trung Quốc.
Văn hóa Việt Nam mang đặc trưng của nền văn hóa sông nước. Nền văn hóa này được hình thành bởi tác động của môi trường, yếu tố nước mang tính chất phổ quát và đặc thù tạo nên sắc thái riêng trong canh tác nông nghiệp, cư trú, tâm lý ứng xử, sinh hoạt cộng đồng…
Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐHQGHN) thì văn minh sông Hồng là nền văn minh cổ xưa nhất của người Việt, đã xác lập được lối sống Việt Nam, truyền thống Việt Nam trước khi văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ lan truyền đến. Chính lối sống Việt Nam, với xóm làng và lũy tre xanh đã giúp người Việt giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, chống lại những chính sách đồng hóa suốt ngàn năm Bắc thuộc.
Với sự ứng biến mềm dẻo của nền văn hóa sông nước, trong suốt hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước người Việt đã luôn lấy nhu thắng cương, lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều. Trải qua biết bao cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, cùng với những cuộc tiếp xúc và giao lưu văn hóa từ thời sơ sử đến nay, văn hóa Việt Nam đã góp phần to lớn vào công cuộc bảo vệ vẹn toàn đất nước.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24.11.1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra vai trò quan trọng của văn hóa là hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ. Đem văn hoá lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ.
Văn hóa phải được coi là nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước
Từ sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến văn hóa, coi văn hóa là động lực phát triển đất nước. Kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa với con người đã được thể hiện qua nhiều kỳ Đại hội của Đảng ta.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960) đã xác định mục tiêu của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa về văn hoá là xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, thiết thực, phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, nâng cao không ngừng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng khẳng định: Nền văn hoá, văn nghệ nước ta xứng đáng đứng vào vị trí tiên phong của nền văn hoá văn nghệ chống đế quốc, phong kiến trên phạm vi toàn thế giới trong thời đại ngày nay.
Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII (năm 1998), đã đề ra nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết khẳng định, bên cạnh việc xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống... Xây dựng, phát triển văn hóa, con người được khẳng định là tiền đề trong phát triển xã hội.
Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI, ngày 9.6.2014 đã xác định mục tiêu “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Lần đầu tiên, trong Nghị quyết của Đảng xác định văn hóa là nền tảng cho sự phát triển bền vững, cùng với phát triển văn hóa là phát triển con người Việt Nam toàn diện.
Đại hội XII của Đảng có sự đổi mới là gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước, bước đầu hình thành những giá trị mới về con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý thức công dân.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò, ý nghĩa đặc biệt của việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Đại hội khẳng định “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Hiện nay quá trình toàn cầu hóa, cách mạng số đã đem lại những cơ hội và thách thức mới cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa.
Trong bối cảnh hội nhập nền văn hóa dân tộc gặp nhiều thách thức, trước tình trạng đó Đảng và Nhà nước đã tổ chức Hội nghị Hội nghị văn hóa diễn ra vào ngày 24.11.2021. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại Đảng ta luôn xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam…
Trọng tâm của phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế. Xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên”.
Để thực hiện được mục tiêu bảo vệ văn hóa, biến văn hóa thành nguồn lực phát triển đất nước thì “điều quan trọng nhất là phải đổi mới tư duy nhận thức, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt, khí chất của dân tộc”, GS.TS Vũ Minh Giang chia sẻ.
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, văn hóa phải được coi là nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước. Việt Nam là đất nước sở hữu rất nhiều nguồn lực văn hóa vật thể và phi vật thể, nhiều di sản đã được Unesco ghi danh và được bạn bè quốc tế biết đến. Chiến lược bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế là hướng đi đúng, phải giúp cho người dân có thể sống được bằng di sản. Di sản còn là văn hóa còn, văn hóa còn thì dân tộc còn.
Theo ThS Lý Viết Trường
Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN
(Dẫn nguồn LĐO)