Du lịch

Phát huy tiềm năng của CV địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tại Kỳ họp lần thứ 204 ở Paris (Cộng hòa Pháp), ngày 12/4/2018, UNESCO đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên Địa chất non nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO.

Từ khi Công viên Địa chất non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận, tỉnh Cao Bằng đã có chiến lược phát triển phù hợp, tạo được những điểm nhấn trong phát triển kinh tế du lịch địa phương.

 

Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng thế giới và tiềm năng về du lịch. Ảnh: Quốc Đạt - Phạm Khoa/TTXVN
Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng thế giới và tiềm năng về du lịch. Ảnh: Quốc Đạt - Phạm Khoa/TTXVN



Năm 2018, từ hiệu ứng Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng được công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO, du lịch tỉnh Cao Bằng đã thu hút trên 1.200.000 lượt khách (tăng 29,2% so với năm 2017, đạt 114,4% kế hoạch năm). Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 113.000 lượt (tăng 90% so với năm 2017, đạt 168,4% kế hoạch năm). Tổng thu từ du lịch đạt 363,3 tỷ đồng (tăng 92% so với năm 2017, đạt 162,8% kế hoạch năm).

Để đạt được những kết quả đó, ngành Du lịch tỉnh Cao Bằng đã khảo sát, rà soát, bổ sung, thay thế, lắp mới cho các biển bảng thuyết minh, quảng bá, biển thông tin (PIGP), biển đối tác (GP), biển chỉ dẫn các điểm di sản trên 03 tuyến du lịch trong vùng Công viên địa chất theo sự tư vấn từ chuyên gia UNESCO. Đồng thời, ngành phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu xây dựng phát triển các sản phẩm có gắn lô-gô công viên địa chất như giảo cổ lam, chè Kolia, hương thơm (làng hương Phia Thắp, huyện Quảng Uyên), miến dong (huyện Nguyên Bình), sản phẩm dệt thổ cẩm (xóm Lũng Nọi, huyện Hà Quảng) thổ cẩm in hoa văn sáp ong của đồng bào Dao Tiền…

Cùng với đó, tỉnh đã cho nâng cấp, hoàn thành các dự án phát triển hạ tầng vùng Công viên Địa chất toàn cầu như xây kè bảo vệ điểm di sản địa chất cúc đá hóa thạch (Lũng Luông, Kéo Yên, Hà Quảng); hoàn thành tuyến đường đi bộ vào điểm di sản khu vực núi Mắt thần (Nặm Chá, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh); sắp xếp lại các ki - ốt bán hàng ở khu vực ngã ba lán Khuổi Nặm thuộc Khu di tích lịch sử Pác Bó. Tỉnh đầu tư hạ tầng cơ sở du lịch khu Phia Oắc - Phia Đén, huyện Nguyên Bình; cải tạo, sửa chữa đường tỉnh lộ 202 (đoạn từ QL34 vào Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình)...

Hoạt động hợp tác, xúc tiến quảng bá được đẩy mạnh như tỉnh đăng cai tổ chức Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" lần 10; tổ chức Lễ hội Về nguồn Pác Bó; nâng cấp Lễ hội Thanh Minh tại Phúc Sen (huyện Quảng Uyên) thành Lễ hội gắn kết làng nghề truyền thống; tổ chức Cuộc thi "Ảnh đẹp Công viên địa chất và du lịch Cao Bằng"…

Ông Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng cho biết, ngành Du lịch tỉnh tiếp tục triển khai đề án Cơ cấu lại ngành đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; đề án tổng thể khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế về du lịch tỉnh Cao Bằng; đề án tổng thể ứng dụng Công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng 2025; nghiên cứu tính khả thi, thực hiện xây dựng và thu hút đầu tư đối với các dự án xây dựng hạ tầng, phát triển du lịch.

Đồng thời, tỉnh tăng cường tổ chức các hoạt động đối ngoại, hợp tác phát triển du lịch... Chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai hoạt động đầu tư, tôn tạo các di tích, khu du lịch trọng điểm: Khu Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, Di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng biên giới 1950; Khu Du lịch thác Bản Giốc...

Chu Hiệu (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm