Pháp luật

Phát huy vai trò hội thẩm nhân dân trong hoạt động xét xử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, đội ngũ hội thẩm nhân dân (HTND) tỉnh Gia Lai đã phát huy vai trò quan trọng trong công tác xét xử, góp phần cùng tòa án ban hành các bản án, quyết định đảm bảo tính khách quan, công bằng, đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 300 HTND, trong đó có 31 hội thẩm cấp tỉnh. Đa số HTND hoạt động kiêm nhiệm trong các cơ quan, ban, ngành, còn lại là những người đã nghỉ hưu có uy tín, đủ khả năng nghiên cứu và áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử.

Tại các phiên tòa sơ thẩm, thành phần hội đồng xét xử gồm 1 thẩm phán và 2 HTND. Đối với những vụ án có tính chất phức tạp, nghiêm trọng thì hội đồng xét xử có thể gồm 2 thẩm phán và 3 HTND.

Ông Võ Hoàng-Trưởng đoàn HTND tỉnh-cho biết: Mỗi năm, Đoàn HTND tỉnh phân công gần 800 lượt hội thẩm tham gia xét xử hơn 230 vụ án. Là những người đại diện cho tiếng nói của Nhân dân trong việc giải quyết vụ án, vụ việc, chính vì vậy, trong quá trình tham gia xét xử, các HTND luôn thực hiện đúng chức năng, thẩm quyền theo quy định của pháp luật, có quan điểm rõ ràng, độc lập, góp phần cùng với hội đồng xét xử đưa ra phán quyết đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.

Với kinh nghiệm hơn 25 năm tham gia Đoàn HTND tỉnh, ông Nguyễn Chương-Hiệu trưởng Trường Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT UKA Gia Lai-cho biết: “Trong từng vụ án được phân công xét xử, tôi thường dành thời gian để đọc kỹ hồ sơ, tài liệu.

Từ đó, tôi chủ động nghiên cứu, tìm hiểu những quy định của pháp luật liên quan đến vụ việc nhằm bảo đảm tính công bằng, khách quan trong quá trình đưa ra xét xử. Nếu trong hồ sơ có những tình tiết mâu thuẫn, những điều chưa được làm rõ thì tôi ghi chép lại cẩn thận rồi sau đó đặt vấn đề với bị cáo tại phiên tòa để làm sáng tỏ nội dung vụ án.

Trong các vụ án dân sự, tôi cũng phân tích những điểm thuận lợi cũng như bất cập để giúp người khởi kiện và người bị khởi kiện trong vụ án nhận thức đúng đắn hơn về những quy định của pháp luật”.

Một phiên tòa có sự tham dự của 3 hội thẩm nhân dân. Ảnh: H.K

Một phiên tòa có sự tham dự của 3 hội thẩm nhân dân. Ảnh: H.K

Trong khi đó, ông Lê Quốc Ngưu-Thành viên Đoàn HTND tỉnh-chia sẻ: “Mỗi năm, tôi được phân công tham gia xét xử hơn 60 vụ án, chủ yếu là các vụ án hình sự. Trước ngày mở phiên tòa, tôi đều nghiên cứu hồ sơ để nắm bắt đầy đủ nội dung, chứng cứ của vụ án.

Nếu phát hiện có những vướng mắc thì tôi trao đổi, phản ánh lại với thẩm phán và thư ký phiên tòa. Bên cạnh đó, tôi còn lên đề cương chi tiết những nội dung cần xét hỏi bị cáo và những người liên quan tại phiên tòa.

Trong quá trình xét xử, tôi luôn ghi chép lại diễn biến, quá trình thẩm vấn và tranh tụng để không bị trùng lặp với nội dung mà thẩm phán đã hỏi trước đó. Đặc biệt, trong quá trình xét xử các vụ án hình sự có tính chất điển hình về tội danh, hành vi phạm tội; các vụ án rất nghiêm trọng được dư luận quan tâm… tôi cũng phân tích, giải thích chính sách pháp luật và tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bị cáo và người tham dự phiên tòa để họ hiểu rõ, nhận biết được hành vi vi phạm pháp luật, từ đó có hướng điều chỉnh phù hợp”.

Theo đánh giá của Tòa án nhân dân tỉnh, thời gian qua, các HTND đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, hiểu biết pháp luật, thực hiện có chất lượng việc thẩm vấn cũng như tranh tụng tại phiên tòa. Qua đó, đội ngũ này góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử, bảo đảm tính công bằng, dân chủ, khách quan cũng như bảo đảm quyền, nghĩa vụ của những người liên quan theo quy định của pháp luật.

Để nâng cao chất lượng xét xử, hàng năm, Tòa án nhân dân 2 cấp đều duy trì tổ chức 2 lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với HTND. Việc tổ chức tập huấn nhằm kịp thời cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về nghiệp vụ xét xử cho các HTND. Đây cũng là dịp để các HTND trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ.

Có thể bạn quan tâm