Thời sự - Bình luận

Phát huy vai trò trụ đỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại đã thấp và phù hợp. Bài toán ở đây là vay để làm gì, vay xong rồi kinh doanh sao cho hiệu quả để trả lãi?

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 11-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết tăng trưởng tín dụng trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 10%, phù hợp với nhu cầu vốn và mục tiêu tăng trưởng cả năm là 15%. Có điều sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) và người dân chưa phục hồi như kỳ vọng.

Thời gian qua, vai trò của ngành NH không chỉ là trụ đỡ, huyết mạch của nền kinh tế mà còn phải bảo đảm hài hòa chính sách tiền tệ để vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Các NH thương mại duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp, phù hợp với bối cảnh của nền kinh tế. Chính sách tài khóa cũng đang được thúc đẩy với hàng loạt dự án đầu tư công được triển khai.

Vấn đề còn lại là các chính sách hỗ trợ để DN sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hiệu quả. Vai trò lúc này không chỉ của NHNN mà còn của các bộ, ngành liên quan và các địa phương.

Đơn cử, DN không tiếp cận được vốn vì không còn tài sản thế chấp, cần sự vào cuộc của các quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương. Những DN nào gặp khó khăn nhưng có khả năng phục hồi, cần được tiếp sức của dòng vốn tín dụng đòi hỏi vai trò kết nối, bảo lãnh, đồng hành của các địa phương, bộ ngành trong từng lĩnh vực.

Chẳng hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có những quy hoạch, phát triển ngành nông nghiệp, thương mại, công nghiệp như thế nào, khuyến khích những ngành hàng nào phát triển và cần dòng vốn tín dụng NH ra sao, khi đó, NHNN sẽ phối hợp với các bộ này kết nối để tổ chức tín dụng cho vay đúng đối tượng, dòng vốn tới đúng mục đích và lan tỏa ra cả nền kinh tế. Rồi khi tính toán dự án ban đầu nhưng quá trình triển khai dự án, thị trường của DN gặp biến động, thay đổi, cũng rất cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước để tháo gỡ.

Mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại đã thấp và phù hợp. Bài toán ở đây là vay để làm gì, vay xong rồi kinh doanh sao cho hiệu quả để trả lãi? Đây là những câu hỏi thuộc về yếu tố triển vọng thị trường, khả năng kinh doanh của DN mà ngành NH không hỗ trợ được.

Các tổ chức tín dụng cũng có những bước đi mạnh mẽ trong chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đây không chỉ là xu hướng, còn là yếu tố bắt buộc của thị trường mà ngay các DN nếu không sớm đáp ứng yêu cầu về tín dụng xanh, chuyển đổi xanh cũng sẽ gặp khó khăn, thách thức trong xuất khẩu, bán hàng ra thị trường…

Dòng vốn tín dụng NH sẽ tiếp tục phát huy vai trò trụ đỡ nhưng cần nhiều hơn sự đồng bộ chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa; sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương để kích thích nhu cầu đầu tư tư nhân, kích cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần sự "chia lửa" của các dòng vốn trung và dài hạn khác thị trường vốn như chứng khoán, trái phiếu DN, bất động sản…

Theo Thái Phương (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm