Kinh tế

Phát triển cây dược liệu: Vốn chờ... dự án

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, đa phần người trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai chủ yếu dựa vào sức mình để phát triển sản xuất với quy mô nhỏ lẻ. Trong khi đó, ngân hàng lại đang nỗ lực tìm kiếm dự án phát triển dược liệu khả thi để đầu tư tín dụng.

Gia Lai có tiềm năng rất lớn để phát triển cây dược liệu. Để khai thác tiềm năng sẵn có, một số doanh nghiệp tiến hành liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ các sản phẩm dược liệu. Tiêu biểu như Công ty cổ phần Đông Nam Dược Gia Lai liên kết tạo vùng nguyên liệu với diện tích 24,73 ha trên địa bàn 10 huyện, thị xã; Công ty TNHH Phát triển khoa học Quốc tế Trường Sinh xây dựng nhà máy chế biến dược liệu và hình thành liên kết chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ dược liệu với 2 hợp tác xã, 7 hộ dân, 1 doanh nghiệp trên diện tích 231,45 ha.

Ngoài các doanh nghiệp kể trên, nhiều người dân cũng đầu tư trồng dược liệu với quy mô nhỏ lẻ bằng nguồn vốn tự có. Ông Hồ Văn Hay (làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê) cho biết: Ngoài chăn nuôi bò, ông còn trồng khoảng 4 sào cà gai leo để có thêm thu nhập. Cứ 4 tháng, cà gai leo cho thu hoạch 1 lần. Giá thu mua cà gai leo tươi là 15 ngàn đồng/kg, cà gai leo khô 80 ngàn đồng/kg. Hiện nay, mức chi phí đầu tư trồng cà gai leo không lớn nên phù hợp với khả năng tài chính của bà con, chủ yếu là tốn nhiều công làm cỏ và khâu thu hoạch.

“Tôi trồng cà gai leo bằng nguồn vốn tự có. Nếu có thêm vốn tín dụng hỗ trợ thì quá tốt”-ông Hay chia sẻ.

Người dân xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) phát triển vùng nguyên liệu sâm đương quy. Ảnh: Nguyễn Diệp

Người dân xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) phát triển vùng nguyên liệu sâm đương quy. Ảnh: Nguyễn Diệp

Thị trường tiêu thụ và vốn đầu tư là 2 vấn đề mà Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thảo Nguyên (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) quan tâm nhất hiện nay. Ông Trịnh Quang Hải-Giám đốc HTX-cho biết: “Ngoài sản phẩm chính đạt chuẩn OCOP là cao đinh lăng và mắc ca, chúng tôi trồng thử nghiệm thêm cây hoa kim ngân, đương quy nhưng phải tạm dừng vì chưa có nguồn tiêu thụ sản phẩm. Về vốn tín dụng, HTX gặp khó khăn vì lâu nay vẫn chưa tiếp cận được”.

Cũng theo ông Hải, hiện nay, ngoài chuỗi liên kết sản xuất đinh lăng, mắc ca với các thành viên, HTX Nông nghiệp Thảo Nguyên đang nỗ lực thực hiện chuỗi liên kết sản xuất chanh dây, cà phê. Vì vậy, HTX rất mong muốn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để mở rộng sản xuất.

Tính đến hết tháng 7-2023, tổng dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng tỉnh đạt 107.700 tỷ đồng. Tính theo cơ cấu đầu tư tín dụng, tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 46% tổng dư nợ với 267.128 khách hàng. Liên quan đến việc đầu tư tín dụng cho lĩnh vực dược liệu, ông Nguyễn Dự-Giám đốc Agribank Gia Lai-thông tin: “Chúng tôi luôn quan tâm tìm kiếm các dự án khả thi trong lĩnh vực này để đầu tư. Mảng dược liệu thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên điều kiện vay vốn cũng như các chương trình khác. Một vấn đề mà chúng tôi hết sức quan tâm là tính khả thi của dự án đầu tư phát triển dược liệu, xây dựng chuỗi liên kết giá trị nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm”.

HTX Nông lâm nghiệp dịch vụ Toàn Diện (huyện Mang Yang) sơ chế dược liệu sau thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Diệp

HTX Nông lâm nghiệp dịch vụ Toàn Diện (huyện Mang Yang) sơ chế dược liệu sau thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Diệp

Trên thực tế, các ngân hàng thương mại vẫn đang đảm bảo nguồn vốn lưu động cho cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, việc tiếp cận tín dụng riêng lẻ cho lĩnh vực phát triển dược liệu theo dự án thì vẫn chưa có. Về kênh tín dụng chính sách, Chính phủ đã ban hành chính sách cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý đối với doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, tổ chức hoạt động tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; dự án trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao. Mặc dù chủ trương, chính sách đã ban hành nhưng ngân hàng không có cơ sở để giải ngân cho vay.

Thông tin thêm về chương trình này, ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh-cho biết: “Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ có quy định về cho vay phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, tại Gia Lai, chúng tôi vẫn chưa triển khai cho vay vì chưa có dự án nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu có dự án được phê duyệt, Ngân hàng Chính sách Xã hội có căn cứ để cho vay đối với các đối tượng thụ hưởng hỗ trợ đầu tư, phát triển dược liệu theo quy định”.

Có thể bạn quan tâm