Kinh tế

Nông nghiệp

Liên kết trồng húng quế: Hướng đi mới trong phát triển cây dược liệu tại Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Không chỉ liên kết với các hộ dân trồng 23 ha húng quế, anh Nguyễn Hoàng Luân (xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu. Mô hình mở ra triển vọng phát triển cây dược liệu tại địa phương.

Thu nhập cao

Anh Nguyễn Hoàng Luân cho biết: Năm 2019, nhờ các mối quan hệ quen biết, anh chọn vùng đất Lào Cai làm nơi khởi nghiệp. Theo đó, anh liên kết với các hộ dân triển khai mô hình trồng húng quế cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh dầu tại địa phương. Giữa năm 2023, anh Luân quyết định đưa loại cây dược liệu này về Krông Pa trồng với mong muốn giúp bà con địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thông qua Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Phú Cần, anh liên kết với 20 hộ dân tại xã Phú Cần và xã Chư Drăng triển khai mô hình trên diện tích 23 ha.

Khi tham gia mô hình, các hộ dân được ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và 5 triệu đồng chi phí đầu tư; đồng thời, được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại. Xuống giống từ tháng 5-2023, cây húng quế sinh trưởng, phát triển tốt, được đánh giá là phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Hiện nay, vườn húng quế bắt đầu cho thu hoạch, năng suất ước đạt 100 tấn/ha/vụ.

Các hộ dân tham quan diện tích trồng húng quế đến kỳ thu hoạch. Ảnh: Vũ Chi

Các hộ dân tham quan diện tích trồng húng quế đến kỳ thu hoạch. Ảnh: Vũ Chi

Không chỉ trực tiếp nhận đầu tư cho các hộ dân, ông Trần Thế Chanh-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Phú Cần còn trồng 1 ha húng quế. Ông cho hay: Toàn bộ diện tích đất này trước đây gia đình ông trồng cây thuốc lá. Tuy nhiên, qua nhiều năm, đất đai bạc màu, sâu bệnh nhiều ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Sau khi tìm hiểu, thấy húng quế là loại cây dễ trồng, cách chăm sóc giống như các loại hoa màu tại địa phương nhưng thu nhập lại cao, đặc biệt không lo đầu ra cho sản phẩm, ông quyết định trồng thử nghiệm trên diện tích 1 ha.

Theo ông Chanh, cây húng quế được sử dụng để chiết xuất tinh dầu nên cần chăm sóc kỹ để năng suất thân, lá, cành đạt cao. Theo đó, người trồng phải chú ý bấm ngọn cho đến khi số cành đạt tối đa, sau đó bón thúc phân và đảm bảo đủ nước tưới để cây húng phát triển nhanh.

“1 ha húng quế của gia đình cho thu hoạch lứa đầu tiên được 25 tấn. Với giá thu mua 2 triệu đồng/tấn, tôi đã lấy lại vốn đầu tư và bắt đầu có lãi từ đợt thu hoạch thứ 2. Dự kiến sau 5 đợt thu, gia đình tôi lãi 180 triệu đồng, bằng với trồng cây thuốc lá. Tuy nhiên, so với trồng thuốc lá, cây húng quế đỡ vất vả hơn rất nhiều và không gây độc hại cho sức khỏe”-ông Chanh chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thưởng (thôn Hưng Hà, xã Phú Cần) cũng phấn khởi khi 1 ha húng quế đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Theo ông Thưởng, trồng húng quế khá dễ, sau khi làm đất và xuống giống thì chỉ mất công chăm sóc trong khoảng 1 tuần đầu. Cây không cần nhiều phân, ít sâu bệnh nên ít chi phí đầu tư. Sau khi cắt xong lứa đầu tiên thì bón thêm phân hữu cơ. Những đợt thu hoạch sau, cây thường cho năng suất cao hơn đợt đầu 10-15 tấn. Khi năng suất giảm còn khoảng 20 tấn/ha, người trồng nên phá bỏ để xuống giống đợt khác. “Nếu tính cả chi phí hệ thống tưới nhỏ giọt, tôi đầu tư khoảng 70 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi trên 150 triệu đồng”-ông Thưởng nhẩm tính.

Hướng đi mới trong phát triển kinh tế

Nhằm tạo điều kiện cho người dân được hưởng mức giá cao nhất không qua trung gian, giảm chi phí vận chuyển, anh Luân quyết định đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu tại xã Chư Drăng. Dự kiến cuối tháng 8 này, nhà máy sẽ đi vào hoạt động. Anh Luân cho hay: Vùng đất trồng húng quế phải có nắng kéo dài để cây cho mùi thơm đặc trưng. Chính vì vậy, loại cây này rất thích hợp với vùng đất Krông Pa. Tại Krông Pa, húng quế có thể cho thu hoạch 5-6 đợt/năm, lợi nhuận vì vậy sẽ cao hơn.

Theo các hộ trồng húng quế ở xã Phú Cần và Chư Drăng, loại cây trồng này cho lợi nhuận vượt trội hơn lúa, mì, mía và ngang bằng với cây thuốc lá. Không những thế, trồng húng quế nhàn hơn cây thuốc lá về khâu chăm sóc và thu hoạch. Mỗi héc ta húng quế sử dụng khoảng gần 1 kg hạt giống. Sau khi xuống giống 3 tháng, cây cho thu hoạch lứa đầu tiên. Nếu chăm sóc tốt, cây húng quế có thể cho thu hoạch 5-6 đợt, mỗi đợt cách nhau 30 ngày. Khi thu hoạch chỉ cần dùng máy cắt cỏ cắt ngang thân cây rồi gom lại vận chuyển đến nhà máy.

Tinh dầu húng quế thường được sử dụng tạo hương cho các món ăn, nhiều nơi đốt để đuổi muỗi, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh. Vì vậy, đây là loại cây trồng có nhiều triển vọng. Theo anh Luân, nhà máy có công suất tối đa 40 tấn/ngày, tương đương với sản lượng 2 ha húng quế. Vì vậy, vùng nguyên liệu có thể mở rộng lên 200 ha.

Chủ tịch UBND huyện Hồ Văn Thảo cho biết: Mặc dù mới “bén duyên” với vùng đất Krông Pa nhưng cây húng quế cho thấy nhiều ưu điểm như: dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế cao. Sau khi trừ chi phí, người dân lãi trên 150 triệu đồng/ha. Đặc biệt, việc đơn vị đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ngay tại địa phương đã giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, giúp người nông dân yên tâm mở rộng diện tích gieo trồng, hình thành vùng nguyên liệu bền vững cho nhà máy chế biến. Đây được coi là bước đột phá trong phát triển cây dược liệu tại địa phương, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Có thể bạn quan tâm