Du lịch

Phát triển du lịch dựa trên giá trị lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng sở hữu hệ thống các di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia và địa phương. Đây là một trong những tài nguyên du lịch hết sức giá trị, góp phần lưu lại dấu ấn riêng trong lòng du khách khi đến tham quan. Những năm qua, các hoạt động đầu tư, trùng tu, bảo tồn và nâng tầm di tích gắn với phát triển du lịch được nhiều địa phương chú trọng, tạo diện mạo mới sinh động, hấp dẫn nhưng không đánh mất đi giá trị lịch sử vốn có của công trình.
Trong chuyến công tác mới đây tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tôi có cơ hội tham quan một số di tích lịch sử-văn hóa. Tất thảy đều có điểm chung là tái hiện lịch sử cách mạng hào hùng, tôn vinh và tri ân những người có công với dân tộc và đất nước. Thế nhưng, từng điểm đến với lối “tạo hình” khác nhau đã neo đậu trong tôi những xúc cảm riêng. Tôi đặc biệt ấn tượng với Công viên tượng đài Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” tọa lạc trên khu đất rộng hơn 6 ha tại trung tâm TP. Tân An. Đây là một trong những công trình lịch sử-văn hóa có quy mô lớn của tỉnh, thể hiện rõ nét truyền thống lịch sử của đất và người Long An trong kháng chiến.
Đáng chú ý, tại đây có một tổ hợp các hộp hình, bảng giới thiệu nội dung và hình ảnh được thiết kế kiểu không gian 3D khá sinh động theo 8 chuyên đề về những chiến công hào hùng, dấu ấn tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân địa phương như: sản xuất vũ khí tại công binh xưởng; dân công hỏa tuyến Long An làm “cầu người” vận chuyển thương binh; cán bộ, chiến sĩ và người dân sống, chiến đấu trong mùa nước lũ; trạm quân y tại căn cứ Đám lá tối trời; người dân dùng xuồng đưa bộ đội vượt sông đánh giặc; 3 lần đánh đồn Đức Lập...
Hình ảnh chân thực kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng và lời của thuyết minh viên giúp khách tham quan cảm nhận rõ ràng hơn về những năm tháng kháng chiến gian khổ mà đầy hào hùng của các thế hệ cha anh đi trước. Có lẽ, chính nét riêng có hấp dẫn này đã giúp tôi dễ dàng tiếp nhận những kiến thức lịch sử mà không hề cảm thấy nhàm chán, khô khan.
Những hình ảnh được phục dựng sống động trong các hộp hình chuyên đề trưng bày tại Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Ảnh: Mộc Trà
Những hình ảnh được phục dựng sống động trong các hộp hình chuyên đề trưng bày tại Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Ảnh: Mộc Trà
Tương tự, nằm cách trung tâm TP. Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) chừng 30 km, Khu di tích lịch sử Xẻo Quít-căn cứ cách mạng của cơ quan Tỉnh ủy Đồng Tháp thời kỳ 1960-1975 cũng là điểm đến hút khách du lịch. Tại đây, trừ các lán trại phục dựng lại, tất cả đều được địa phương gìn giữ vẹn nguyên, kể cả con rạch len lỏi giữa khu căn cứ và bạt ngàn rừng tràm bao quanh. Thả mình vào không gian của thiên nhiên hoang sơ trên chiếc xuồng nhỏ, lắng nghe chim hót ríu rít, nước róc rách chảy, tôi có cảm giác như mình đang được sống lại khung cảnh của chiến khu xưa với những công sự, hầm tránh bom, cầu vượt cạn bí mật…
Không dừng lại ở đó, khi đến đây, tôi còn biết thêm về cuộc sống của người dân Đồng Tháp hiện tại với nghề đan lát sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình hay các sản phẩm OCOP đặc trưng thông qua các hoạt động trình diễn, trưng bày tại khu di tích. Việc quảng bá này không hiếm thấy khi ta đến với Đồng Tháp, được áp dụng trong nhà hàng, khách sạn hay các khu du lịch trên địa bàn. Tôi cho rằng, cách làm trên khá hay và hiệu quả trong việc đưa hình ảnh, sản phẩm đặc trưng của địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Và dĩ nhiên, các tỉnh khác, kể cả Gia Lai, hoàn toàn có thể áp dụng để đạt được mục đích “kép”.
Với bề dày lịch sử-văn hóa, Gia Lai dần trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch cả nước khi đón hàng trăm ngàn lượt du khách mỗi năm. Tỉnh cũng đang phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay, một số công trình, di tích văn hóa-lịch sử vẫn chưa được phát huy đúng mức, chưa thể trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Thiết nghĩ, tỉnh cần tận dụng sự kết hợp giữa bảo tồn di tích và phát triển du lịch để làm bật dậy “sức hút”, nét hấp dẫn riêng của các di tích, biến những tiềm năng du lịch thành hiện thực, góp phần đưa ngành “công nghiệp không khói” cất cánh. Hơn nữa, nếu có thể xây dựng sản phẩm du lịch theo hướng trải nghiệm thực tế, tức ngoài việc cung cấp kiến thức còn gợi mở để du khách khám phá thêm các điểm đến khác gắn với các di tích trong hành trình mà họ đi qua; thậm chí đầu tư các sản phẩm dịch vụ khác nhau để tạo sự thú vị cho du khách thì chắc hẳn, hoạt động du lịch dựa trên các giá trị lịch sử sẽ ngày càng trở nên sôi động và lan tỏa.
MỘC TRÀ
 

Có thể bạn quan tâm