Du lịch

Phát triển du lịch nông thôn cần quan tâm đến lợi ích cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 6/12, tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu, Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã tổ chức Hội thảo về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Du lịch sinh thái tại Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia Vương Đình Huệ chủ trì Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng thời gian tới, các bộ ngành, địa phương cần có nhận thức đầy đủ, rõ ràng về nội hàm du lịch nông thôn hay du lịch nông nghiệp để làm cơ sở nền tảng trong việc đề xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực du lịch này.

Về hiện trạng du lịch nông thôn ở Việt Nam, Phó Thủ tướng chỉ rõ đã có nhiều mô hình, cách làm hay. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng làm du lịch nông thôn tự phát. Trọng tâm của phát triển nông thôn chính là đa dạng hóa sinh kế cho người dân vùng nông thôn.

Để du lịch nông thôn phát triển cần quan tâm đến lợi ích cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, du lịch nông thôn phải mang lại lợi ích kinh tế gắn với việc bảo tồn văn hóa, môi trường. Phát triển du lịch nông thôn cần hài hòa giữa phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới; coi trọng lợi ích của người dân, của cộng đồng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các địa phương chủ động phối hợp với các bộ ngành, các đơn vị tư vấn đánh giá tiềm năng, lợi thế. Đồng thời, các địa phương quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện liên kết vùng để khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch nông thôn; tránh tình trạng làm theo phong trào, hiệu quả kinh tế mang lại không cao.


 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)



Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, trước hết là phát triển du lịch nông nghiệp - loại hình du lịch dựa chủ yếu trên nền tảng của hoạt động, không gian sản xuất nông nghiệp với quan điểm phát triển bền vững về môi trường sinh thái và văn hóa. Bản chất loại hình du lịch này là thu hút du khách đến với các khu vực sản xuất nông nghiệp, thông qua hoạt động nông nghiệp, khách du lịch có cơ hội trải nghiệm, giải trí, rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên. Đây là hoạt động vừa góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, vừa góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

Theo báo cáo tại Hội thảo, trong tổng thu nhập của người dân nông thôn hiện nay, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%, thu nhập từ các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ chiếm 73%.

Thời gian qua, hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đã được đầu tư khai thác tại nhiều địa phương, hình thành hệ thống sản phẩm du lịch phong phú, đặc thù trải dài từ Bắc tới Nam. Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp vùng, miền độc đáo, chất lượng, đã được khai thác một cách bài bản, có định hướng, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách theo các nhóm mục tiêu khác nhau. Các loại hình du lịch, như trang trại đồng quê, miệt vườn, trải nghiệm làm nông dân, sinh thái... đã phát triển, chiếm tỉ lệ ngày càng cao bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản của tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Một số tour du lịch đã trở thành thương hiệu để thu hút du khách trong và ngoài nước, điển hình như tour một ngày làm nông dân cho du khách nước ngoài ở làng rau Trà Quế, Hội An (Quảng Nam); tour du lịch miệt vườn sông nước Cửu Long; tour thưởng ngoạn phong cảnh ruộng bậc thang mùa lúa chín ở vùng cao tại Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai), Pù Luông (Thanh Hóa), Mai Châu (Hòa Bình); tour du lịch nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt...

Tại hội thảo, đại biểu thống nhất cho rằng việc phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới là bước đi đúng cần được nhân rộng trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn, khu vực miền núi; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc.

 

Việt Hoàng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm