Sáng 7/12, Báo Thanh Niên tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế". Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho biết: Từ tháng 10, ngay khi thành phố ban hành chương trình phục hồi kinh tế, du lịch là ngành đầu tiên làm kế hoạch riêng cho chương trình này.
Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế", sáng 7/12. |
Bà Phan Thị Thắng nhận định, trải qua giai đoạn dịch kéo dài trong 2021, ngành du lịch nói riêng, kinh tế nói chung của Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng rất nặng nề. Tuy nhiên, thành phố có sự chủ động, nhanh nhạy như vậy, bởi hiện nay du lịch là ngành kinh tế trọng điểm, đóng góp khoảng 10% trong GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh.
Mới đây giữa tháng 11, sau khi Chính phủ cho phép các địa phương đón khách quốc tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã mạnh đạn đề xuất Chính phủ cho phép được đón khách quốc tế từ ngày 1/12. Khách đến thành phố không chỉ thuần túy đi du lịch, nghỉ dưỡng mà còn rất nhiều hoạt động kinh tế, xã hội khác. Mặc dù được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rất ủng hộ nhưng đề án này vẫn đang chờ lấy ý kiến của bộ, ngành Trung ương.
Nêu lên vướng mắc của ngành du lịch thành phố, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, mặc dù đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng hiện nay nhiều khách hàng vẫn có tâm lý ngần ngại khi đi du lịch dù các đơn vị tổ chức theo quy trình an toàn. Khó khăn hơn, là Nghị quyết 128 của Chính phủ đã ban hành nhưng vẫn còn nhiều địa phương có quy định khác nhau đã ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức tour-tuyến của công ty du lịch. Hay quy trình xử lý trường hợp F0 mỗi địa phương cũng khác nhau khiến công ty lữ hành không tự tin khi tổ chức tour do sợ ảnh hưởng, làm mất niềm tin của khách hàng vì không đúng như cam kết ban đầu…
Bà Hoa cũng kiến nghị Trung ương sớm cho phép Thành phố Hồ Chí Minh được mở cửa đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine để góp phần phục hồi kinh tế.
Nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp du lịch tham dự tọa đàm cũng mong muốn, Chính phủ cần có giải pháp mạnh và đồng bộ hơn nữa (về lưu trú, lữ hành, vận tải quốc tế) để mở cửa du lịch, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế; đặc biệt là phát triển du lịch sẽ kéo theo các ngành nghề khác phục hồi như thương mại, dịch vụ, hàng không… Có như vậy, các địa phương mới có thể thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
QUÝ HIỀN (NDĐT)