Du lịch

Phát triển Du lịch Việt Nam bền vững từ góc độ đa ngành, đa chiều

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chiều 2-1, tại thành phố Long Xuyên, Trường Đại học Khoa học và Xã hội nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bình Dương, Trường Đại học HaWaii (Mỹ) phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã tổ chức Hội thảo “Phát triển Du lịch Việt Nam bền vững từ góc độ đa ngành và đa chiều” lần thứ 9 tại An Giang. 
 Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Trên 350 đại biểu các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các Viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp đã tham dự Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cho biết, là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang có đường biên giới dài gần 100 km giáp với hai tỉnh Takeo và Kandal (Vương quốc Campuchia). Cùng với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, núi non hùng vĩ, các di tích quốc gia đặc biệt.
Việc phối hợp tổ chức Hội thảo lần này và các chuyến đi thực tế trải nghiệm của các đoàn tại các khu, điểm du lịch của tỉnh sẽ góp phần định hướng cho du lịch của địa phương trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa phát triển du lịch trở thành định hướng chiến lược quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Thảo luận về chủ đề “Du lịch Tâm linh và Du lịch Văn hóa”-tiến sĩ Nguyễn Tô Lan (Viện nghiên cứu Hán - Nôm, Hà Nội) đã giới thiệu nghiên cứu về du lịch tín ngưỡng và lễ tục cộng đồng tại Núi Sam, Châu Đốc, An Giang.
Tham luận về chủ đề “Một số đề xuất sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh An Giang”-​tiến sỹ Ngô Thanh Loan, Đại học Khoa học và Xã hội nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu cảnh quan nông thôn, tìm hiểu đời sống người dân, tham quan, tham gia các hoạt động nông nghiệp, ẩm thực và Homestay.
Tiến sĩ Ngô Thanh Loan cho rằng tỉnh An Giang cần chú ý đến thách thức do tương đồng với các tỉnh khác của Đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao chất lượng, tạo ra sự khác biệt về du lịch sinh thái, nông nghiệp, Homestay, ẩm thực. An Giang là trung tâm du lịch hành hương lớn nhất Nam bộ, tập trung ở Miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc, có nhiều tôn giáo lớn, các tôn giáo nội sinh và tín ngưỡng dân gian...
Thảo luận về chủ đề “Phát triển, bền vững và du lịch từ góc độ so sánh, đối chiếu,”​giáo sư, ​tiến sỹ Jonathan Warren (Đại học Washington, Mỹ) cho rằng, cần có sự tương tác giữa phát triển văn hóa, giáo dục với phát triển kinh tế. Khi có đầu tư cho giáo dục văn hóa sẽ có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế và ngược lại.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung: Khắc họa sự hợp tác, tương tác liên châu Á: Góc nhìn từ Mekong; Quản lý đa cấp xuyên quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Nghiên cứu về thị trường du lịch tâm linh Việt Nam...
Hội thảo “Phát triển Du lịch Việt Nam bền vững từ góc độ đa ngành và đa chiều” lần thứ 9 tại An Giang, là cơ hội cho các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế từ nhiều lĩnh vực khác nhau trao đổi các quan điểm về vấn đề phát triển, bền vững trong du lịch; chia sẻ các kết quả, kinh nghiệm nghiên cứu trong việc phát triển bền vững, chiến lược khai thác tài nguyên, xây dựng chính sách, hợp tác phát triển, giải pháp về bảo tồn di sản, phát triển, quảng bá, đào tạo...
Vương Thoại Trung (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm