Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Phát triển mặt nạ kỹ thuật số giúp tăng tính bảo mật cho bệnh nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Nature Medicine, các nhà nghiên cứu Trung Quốc vừa phát triển một mặt nạ kỹ thuật số nhằm bảo mật khuôn mặt của bệnh nhân khi đi khám bệnh.
Ảnh minh họa. Nguồn: AP
Theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Nature Medicine, các nhà nghiên cứu Trung Quốc vừa phát triển một mặt nạ kỹ thuật số nhằm bảo mật khuôn mặt của bệnh nhân khi đi khám bệnh.
Một mặt, khuôn mặt có thể biểu thị nhiều đặc điểm sinh lý hoặc bệnh lý của cơ thể người. Do đó, thông tin trên khuôn mặt rất quan trọng đối với việc chẩn đoán lâm sàng và điều trị bệnh như các bệnh nhãn khoa, tim mạch và bệnh về hệ thần kinh. Một mặt khác, khuôn mặt là một trong những thông tin sinh trắc học quan trọng nhất không thể chỉnh sửa của con người, nên bộ phận này cũng có chức năng nhận dạng danh tính.
Vì vậy, việc lưu trữ hình ảnh khuôn mặt trong hồ sơ y tế gây ra rủi ro về quyền riêng tư do thông tin sinh trắc học cá nhân có thể được trích xuất từ những hình ảnh đó. Nhằm giảm thiểu những rủi ro này, các nhà nghiên cứu tại các trường đại học như Đại học Trung Sơn, Đại học Thanh Hoa..., đã phát triển mặt nạ kỹ thuật số, dựa trên công nghệ tái tạo 3 chiều và các thuật toán học sâu để xóa các đặc điểm nhận dạng trong khi vẫn giữ lại các đặc điểm cần thiết liên quan đến bệnh để bác sĩ có thể chẩn đoán.
Trong nghiên cứu lâm sàng nhằm đánh giá mặt nạ kỹ thuật số, kết quả cho thấy công nghệ mới này đáp ứng được yêu cầu chẩn đoán lâm sàng và giảm tỷ lệ nhận dạng danh tính của bệnh nhân xuống còn 27,3%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ nhận dạng danh tính bệnh nhân sử dụng các phương pháp truyền thống như đeo khẩu trang... hiện ở mức trên 90%.   
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng việc sử dụng mặt nạ kỹ thuật số làm tăng mức độ sẵn sàng cung cấp hình ảnh khuôn mặt dưới dạng thông tin sức khỏe trong suốt quá trình điều trị của bệnh nhân mắc các bệnh về mắt. 
Những phát hiện mới nói trên cho thấy mặt nạ kỹ thuật số có tiềm năng lớn được ứng dụng trong các dịch vụ y tế kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến cũng như y tế từ xa.
Theo Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)
 

Có thể bạn quan tâm