Theo đó, UBND tỉnh yêu UBND các huyện, thị xã có sản xuất mía đường trên cơ sở định hướng phát triển sản xuất của tỉnh khẩn trương phối hợp với các công ty, nhà máy đầu tư vùng nguyên liệu mía trên địa bàn rà soát, xác định và có kế hoạch, định hướng phát triển cụ thể, chi tiết diện tích mía ở từng địa bàn cấp xã để đảm bảo hành lang pháp lý cho các nhà máy và người trồng mía ở địa phương an tâm liên kết sản xuất, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía ổn định, bền vững, hiệu quả.
Đồng thời, làm việc và có biên bản thống nhất, cam kết của công ty, nhà máy với UBND cấp huyện trong việc đầu tư, liên kết phát triển vùng nguyên liệu mía ở địa phương; tránh tình trạng phân vùng nguyên liệu để đó, không có giải pháp đầu tư phát triển, liên kết sản xuất ổn định, bền vững. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt việc phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ các công ty, nhà máy đường đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía ở địa phương. Khuyến khích người dân dồn điền, đổi thửa để đẩy nhanh và thực hiện có kết quả kế hoạch xây dựng cánh đồng mía lớn, áp dụng cơ giới hóa, tưới và thâm canh; hình thành những vùng sản xuất mía quy mô lớn, tập trung; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đúng định hướng phát triển vùng nguyên liệu mía của tỉnh và kế hoạch sản xuất mía đường của địa phương để nâng cao năng suất, chất lượng mía, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm mía đường Gia Lai và giảm rủi ro cho người trồng mía trong tỉnh.
Các công ty, nhà máy đường trên địa bàn tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy, chú ý củng cố quan hệ sản xuất, tạo mối liên kết bền vững giữa nông dân trồng mía với nhà máy; đầu tư sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất, sản xuất tập trung, quy mô lớn, áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật và tiếp đến cơ giới hóa tất cả các khâu trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mía, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong hội nhập.
Đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông; tổ chức tập huấn cho nông dân vùng nguyên liệu của nhà máy đầu tư thực hiện đồng bộ quy trình kỹ thuật thâm canh mía bền vững; thực hiện có hiệu quả công tác phòng-chống các loại sâu bệnh hại mía, không để phát sinh thành dịch; tập trung khắc phục cơ bản bệnh trắng lá mía ở vùng nguyên liệu công ty, nhà máy đầu tư. Xây dựng phương án thu mua; tổ chức thu mua kịp thời, đúng thời điểm mía chín. Công khai, minh bạch, xác định đúng chữ đường và tạp chất. Thực hiện đúng, đầy đủ các điều khoản đã ký kết với người dân.
Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các nhà máy đường thực hiện chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất mía đến người dân; xây dựng các mô hình mía có tính mới, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, hiện đại để qua đó hướng dẫn, tập huấn cho bà con nông dân; tăng cường liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) trong sản xuất mía nhằm đảm bảo lợi ích, tăng cường trách nhiệm của mỗi bên, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển mía trên địa bàn tỉnh ổn định, bền vững.