Kinh tế

Nông nghiệp

Phát triển vùng nguyên liệu mía hướng đến sự bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm qua, nông dân khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai liên tục mở rộng diện tích mía, dẫn đến phá vỡ quy hoạch. Trước thực tế đó, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm ổn định diện tích, định hướng phát triển sản xuất mía bền vững.
Vượt quy hoạch hơn 15.000 ha
Nông dân xã An Trung (huyện Kông Chro) chăm sóc cánh đồng mía mẫu lớn. Ảnh: Đ.T
Nông dân xã An Trung (huyện Kông Chro) chăm sóc cánh đồng mía mẫu lớn. Ảnh: Đ.T
Theo Quyết định số 681/QĐ-UBND ngày 7-10-2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch trồng trọt gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, tầm nhìn 2020, tổng diện tích mía của tỉnh đến năm 2020 là 25.000 ha. Trong đó, huyện Đak Pơ 6.270 ha, Kbang 7.610 ha, Kông Chro 1.200 ha, Ia Pa 3.000 ha, Phú Thiện 3.395 ha, thị xã An Khê 2.920 ha, thị xã Ayun Pa 605 ha. Đến ngày 10-10-2013, UBND tỉnh có Quyết định số 572/QĐ-UBND bổ sung quy hoạch 3.000 ha mía tại huyện Krông Pa. Tiếp đó, ngày 20-5-2014, UBND tỉnh có Công văn số 1770/UBND-NL bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu cho Nhà máy Đường Ayun Pa 3.500 ha (huyện Ia Pa 1.500 ha, huyện Krông Pa 2.000 ha).
Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, tổng diện tích mía trên địa bàn tỉnh niên vụ 2017-2018 là hơn 46.778 ha (vượt hơn 15.278 ha so với quy hoạch đến năm 2020). So với quy hoạch của UBND tỉnh, một số địa phương có diện tích mía vượt cao như: huyện Kông Chro 7.556 ha/1.200 ha, Kbang 10.668 ha/7.610 ha, Đak Pơ 8.399 ha/6.270 ha, thị xã An Khê 3.383 ha/2.920 ha, Phú Thiện 4.232 ha/3.395 ha... Việc nông dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng mía đã phá vỡ quy hoạch của tỉnh. Hơn nữa, nhiều diện tích trồng mía còn manh mún, nhỏ lẻ, trồng trên đồi dốc nên năng suất, chất lượng và hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý, kiểm tra và giám sát việc thực hiện quy hoạch, định hướng phát triển vùng nguyên liệu mía ở nhiều địa phương cũng chưa tốt dẫn đến hệ quả là sản xuất mía hiện nay thiếu tính bền vững.      
Định hướng phát triển bền vững
Thời gian qua, các địa phương đã đưa những giống mía mới có năng suất cao, ít sâu bệnh, sức tái sinh và lưu gốc tốt, như: K95-84, K95-156, LK92-11 vào sản xuất đại trà. Ngoài ra, các địa phương đã xây dựng được 134 mô hình cánh đồng mía lớn với tổng diện tích 2.651 ha. Việc xây dựng các cánh đồng mía lớn tạo điều kiện để cơ giới hóa sản xuất từ khâu làm đất đến thu hoạch, nâng cao năng suất, chất lượng cây mía. Theo đó, năng suất mía bình quân toàn tỉnh niên vụ 2017-2018 đạt khoảng 70,9 tấn/ha, sản lượng mía đạt trên 3,3 triệu tấn.
Nông dân xã Đak Hlơ (huyện Kbang) thu hoạch mía. Ảnh: Lê Nam
Nông dân xã Đak Hlơ (huyện Kbang) thu hoạch mía. Ảnh: Lê Nam
Ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Định hướng phát triển sản xuất mía đến năm 2025, tầm nhìn 2030 của huyện Kbang là 7.500-8.500 ha. Đối với diện tích mía vượt quy hoạch, huyện dự kiến chuyển đổi những vùng có nguồn nước tưới thuận lợi sang trồng các loại cây ăn quả, rau màu, cây dược liệu. Còn đối với diện tích đất gò đồi, đất bạc màu thì chuyển sang trồng cây keo lai và cây trồng khác phù hợp hơn. Đồng thời, huyện khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích mía. Ngoài ra, các hộ trồng mía cần ký hợp đồng liên kết đầu tư, tiêu thụ với các nhà máy đường và thực hiện cánh đồng lớn. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2020, tổng diện tích mía cánh đồng lớn đạt từ 2.000 ha trở lên.
Về định hướng phát triển cây mía trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và ổn định đến năm 2030, ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Sản xuất mía đường là một trong những ngành đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Để đảm bảo đủ nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động, hạn chế tình trạng tranh mua, tranh bán, giúp người trồng mía đầu tư sản xuất hiệu quả, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất UBND tỉnh định hướng phát triển diện tích mía trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và ổn định đến năm 2030 khoảng 45.000-46.000 ha. Đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch và đưa các giống mới vào sản xuất để nâng cao năng suất cây mía, bình quân đạt trên 80 tấn/ha vào năm 2020 và đạt trên 100 tấn/ha vào năm 2025.

Ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật: “Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất UBND tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu mía tập trung tại 10 huyện, thị xã, gồm: Kbang, Đak Pơ, Kông Chro, Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa, Chư Prông, Đức Cơ, An Khê, Ayun Pa. Phân bổ vùng nguyên liệu cho Nhà máy Đường An Khê khoảng 21.500-22.000 ha, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai khoảng 11.500-12.000 ha, Nhà máy Sản xuất Si rô cô đặc Krông Pa và Nhà máy Sản xuất Si rô cô đặc Chư Prông khoảng 6.000 ha/nhà máy...”.
Lê Nam

Có thể bạn quan tâm