Kinh tế

Phê duyệt 8 vùng trồng tập trung dược liệu có thế mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định 1976 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Phát triển dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa

 

 

Theo Quyết định này, mục tiêu là phát triển dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới trang thiết bị trong nghiên cứu chọn tạo giống, trồng trọt, chế biến, chiết xuất, chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới.

Đồng thời, quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu phục vụ cho mục tiêu phát triển y tế và kinh tế, chú trọng bảo hộ, bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý, có giá trị; giữ gìn, phát huy và tăng cường bảo hộ vốn tri thức truyền thống về sử dụng cây thuốc của cộng đồng các dân tộc.

Với mục tiêu đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bảo tồn và khai thác dược liệu tự nhiên với mục tiêu cụ thể là quy hoạch các vùng rừng, các vùng có dược liệu tự nhiên ở 8 vùng dược liệu trọng điểm bao gồm Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ để lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu, đạt khoảng 2.500 tấn dược liệu/năm.

Đồng thời, xây dựng 5 vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia đại diện cho các vùng sinh thái, là nơi tập trung, bảo tồn và trồng mới nhiều loài cây thuốc được thu thập ở các địa phương khác nhau, đại diện cho vùng khí hậu đặc trưng để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển dược liệu. Phấn đấu đến năm 2020 bảo tồn được 50% và năm 2030 là 70% tổng số loài dược liệu của Việt Nam.

Về phát triển trồng cây dược liệu, phấn đấu quy hoạch phát triển 54 loài dược liệu thế mạnh của 8 vùng sinh thái phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây thuốc để đến năm 2020 đáp ứng được 60% và đến năm 2030 là 80% tổng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước, tăng cường khả năng xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu trong nước.

8 vùng trồng tập trung các loài dược liệu có thế mạnh

Theo Quyết định, quy hoạch 8 vùng trồng tập trung các loài dược liệu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và sinh thái để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cụ thể, vùng núi cao có khí hậu á nhiệt đới gồm Lào Cai (Sa Pa), Lai Châu (Sìn Hồ) và Hà Giang (Đồng Văn, Quản Bạ) sẽ phát triển trồng 13 loài dược liệu bao gồm Bình vôi, Đảng sâm, Hà thủ ô đỏ, Tục đoạn và Actisô, Đỗ trọng, Độc hoạt, Đương quy, Tam thất... với diện tích 2.250 ha.

Vùng núi trung bình có khí hậu á nhiệt đới gồm Lào Cai (Bắc Hà), Sơn La (Mộc Châu) và Lâm Đồng (Đà Lạt) sẽ phát triển trồng 12 loài dược liệu, trong đó ưu tiên phát triển các loài Bạch truật, Đỗ trọng và Actisô.

Vùng trung du miền núi Bắc Bộ gồm Bắc Giang, Yên Bái, Quảng Ninh, Lạng Sơn phát triển trồng 16 loài  dược liệu với diện tích 4.600 ha; vùng Đồng bằng sông Hồng gồm Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định và Thái Bình phát triển trồng 20 loài dược liệu với diện tích 6.400 ha...

Quyết định còn nêu rõ, một trong những giải pháp để thực hiện quy hoạch là ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất giống cây thuốc phục vụ công tác nuôi trồng và phát triển dược liệu ở quy mô lớn; đầu tư cho công tác bảo tồn, bảo vệ và tái sinh dược liệu.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm