Kinh tế

Giá cả thị trường

Phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD, trong đó tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên.

Chế biến sản phẩm dứa đóng hộp xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm An Giang (tỉnh An Giang). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Tại Quyết định số 417/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030.
Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD. Trong đó, tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên; công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm, gấp gần 2 lần so với năm 2020.
Một mục tiêu nữa là đến năm 2030 thu hút đầu tư mới 50-60 cơ sở chế biến rau quả có quy mô lớn và vừa; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến rau quả hiện đại ngang tầm khu vực, thế giới với khả năng cạnh tranh quốc tế cao.
Để đạt mục tiêu trên, nhiệm vụ của Đề án là đẩy mạnh đầu tư nâng cao năng lực chế biến rau quả; phát triển cơ sở sơ chế, bảo quản rau quả tươi; đẩy mạnh chế biến các sản phẩm rau quả chủ lực, sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tổ chức sản xuất rau quả nguyên liệu phục vụ chế biến; phát triển thị trường tiêu thụ rau quả.
Trong đó, xây dựng hệ thống cơ sở sơ chế, đóng gói và kho mát bảo quản rau quả tươi có quy mô và trang thiết bị phù hợp với sản lượng, đặc tính cho các loại rau quả chủ lực nhằm giảm nhanh tổn thất sau thu hoạch.
Nhiệm vụ tiếp theo là thu hút mạnh đầu tư để đến năm 2030, đảm bảo tại những khu vực sản xuất rau quả tập trung, hợp tác xã sản xuất và tại các cơ sở, đại lý thu gom lớn được đầu tư máy, trang thiết bị, xưởng sơ chế, đóng gói, kho mát với quy mô phù hợp để hình thành hệ thống các cơ sở sơ chế, đóng gói đồng bộ.
Ngoài ra, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trung tâm chiếu xạ thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế gắn với các vùng sản xuất rau quả tập trung, quy mô lớn.
Một nhiệm vụ nữa là đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ nguyên liệu rau quả và từ phế phụ phẩm sau chế biến; phấn đấu trong giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân trên 10%/năm; xây dựng, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau quả đảm bảo nguyên liệu được cung cấp (khoảng 5-6 triệu tấn vào năm 2030) có chất lượng, an toàn thực phẩm cho hoạt động chế biến.
(TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm