Pháp luật

Tin tức

Phiên tòa giả định xét xử tội "Tổ chức tảo hôn": Giải pháp tuyên truyền trực quan, hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Phiên tòa giả định xét xử vụ án “Tổ chức tảo hôn” do Tòa án nhân dân huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) phối hợp cùng các ngành chức năng vừa tổ chức tại xã Ia Pết đã thu hút hơn 200 người dân tham gia. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về những hệ lụy do tảo hôn gây ra.

Theo cáo trạng giả định, tháng 3-2021, Nguyễn Thị Nữ (SN 2006) có quan hệ tình cảm với anh Trần Văn Nam (SN 2001). Tháng 6-2021, sau khi phát hiện mình có thai, Nữ đã thông báo cho anh Nam. Tiếp đó, Nữ trình bày sự việc với bố mình là ông Nguyễn Ba, đồng thời, ngỏ ý muốn kết hôn trước khi sinh con. Tuy biết con gái chưa đến tuổi kết hôn nhưng vì sợ mang tiếng xấu nên ngày 30-6-2022, ông Ba đã gặp bố mẹ của Nam là ông Trần Tư và bà Lê Năm để bàn bạc việc tổ chức đám cưới.

Ngày 15-7-2021, hai bên gia đình đã tổ chức đám cưới cho Nữ và Nam. Sau đó, Nữ và Nam về sống chung như vợ chồng tại nhà bố mẹ Nam. Trong quá trình chung sống, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, Nam thường xuyên uống rượu, bỏ bê gia đình nên vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Khi Nam đòi bỏ vợ con, ngày 10-2-2022, ông Ba làm đơn tố cáo hành vi xâm hại tình dục của anh này đến cơ quan Công an.

 Quang cảnh phiên tòa giả định. Ảnh: R'Ô HOK
Quang cảnh phiên tòa giả định. Ảnh: R'Ô HOK


Sau quá trình thụ lý điều tra, Cơ quan Điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố Nam về hành vi giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân huyện truy tố Nam về hành vi giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Trên cơ sở đó, ngày 10-8-2022, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện tuyên phạt Nam 5 năm tù về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra mở rộng vụ án, cơ quan chức năng xác định: Ông Ba, ông Tư và bà Năm có hành vi tổ chức tảo hôn. Cụ thể, tháng 1-2021, ông Ba đã có hành vi tổ chức tảo hôn cho người khác nên bị chính quyền địa phương ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tiếp đó, ngày 15-7-2021, ông Ba tiếp tục có hành vi tổ chức tảo hôn cho con gái là Nữ khi chưa đến tuổi kết hôn (tại thời điểm tổ chức đám cưới với Nam, Nữ mới 15 tuổi 7 tháng 15 ngày).

Vì đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tổ chức tảo hôn nhưng vẫn tái phạm nên cơ quan Công an quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Ba về tội “Tổ chức tảo hôn”. Riêng ông Tư và bà Năm có hành vi tham gia tổ chức tảo hôn cho người khác nhưng trước đó chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này. Do đó, hành vi của ông Tư và bà Năm chỉ vi phạm hành chính.

Dù là phiên tòa giả định nhưng các đơn vị phối hợp tổ chức đã có sự chuẩn bị chu đáo với đầy đủ các thành phần như: thẩm phán chủ tọa phiên tòa, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, thư ký, người làm chứng, luật sư bào chữa cho bị cáo… Trong phần xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử và kiểm sát viên đã lồng ghép những câu hỏi mang tính chất tuyên truyền, cảnh tỉnh với bị cáo để giúp người dân hiểu rõ về hệ lụy của tảo hôn ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội, sức khỏe tinh thần của con người, đặc biệt là thanh-thiếu niên.

Ông Sêl-người uy tín ở làng Ngơm Thung (xã Ia Pết) chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi tham dự phiên tòa giả định tại địa phương. Tại phiên tòa giả định, tôi tiếp thu rất nhiều kiến thức pháp luật bổ ích. Tôi sẽ nhắc nhở bà con, các cháu thanh-thiếu niên phải chấp hành tốt quy định của pháp luật, không tổ chức kết hôn khi chưa đủ tuổi để tránh vi phạm pháp luật”.

Còn anh Luy-Bí thư Đoàn xã Ia Pết-cho hay: Phiên tòa giả định thu hút hơn 100 đoàn viên, thanh niên tham gia. Phiên tòa giả định đã giúp đoàn viên, thanh niên nâng cao kiến thức pháp luật, từ đó tự giác chấp hành các quy định về hôn nhân và gia đình, góp phần đẩy lùi nạn tảo hôn. Trong khi đó, em Oi (làng Brông Goai, xã Ia Pết) thì bày tỏ: “Thông qua phiên tòa giả định, em học được rất nhiều kiến thức, nhất là không được kết hôn sớm để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe bản thân và con cháu sau này”.

Trao đổi với P.V, ông Đỗ Thành Việt-Trưởng phòng Tư pháp huyện Đak Đoa-thông tin: Thời gian qua, tình trạng tảo hôn gây ảnh hưởng đến chất lượng dân số và sự phát triển của địa phương. Do đó, huyện luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, đặc biệt là về vấn nạn tảo hôn. Để công tác tuyên truyền hiệu quả, đơn vị đã phối hợp tổ chức phiên tòa giả định. Bởi lẽ, đây là phương pháp tuyên truyền mang tính trực quan sinh động nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về hệ lụy của tảo hôn, từ đó nêu cao ý thức tuân thủ pháp luật.

“Xã Ia Pết là đơn vị đầu tiên được huyện tổ chức phiên tòa giả định trong năm 2022. Thời gian tới, chúng tôi phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức các phiên tòa giả định ở địa bàn khác, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, giảm thiểu tình trạng tảo hôn”-ông Việt nhấn mạnh.
 

R'Ô HOK

 

Có thể bạn quan tâm