Thể thao

Philippe Troussier và những bí mật ít biết về cuộc đời bóng đá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Philippe Troussier - tân huấn luyện trưởng đội tuyển Việt Nam đã chu du qua Châu Âu, Châu Phi, Châu Á xuyên suốt 2 thập kỷ. "Phù thủy trắng” cũng đặt nhiều dấu ấn cho sự phát triển của một số nền bóng đá , trong đó đặc biệt có Pháp, quê hương của ông.

Bước ngoặt góp phần làm nên thành công cho bóng đá Pháp

“Tôi vô tình thấy một đôi giày đá bóng trong garage ôtô của bố. Khi đó tôi 8 tuổi. Như có lực hút của nam châm, tôi không cưỡng lại được cảm giác tò mò, muốn được sục chân vào đôi giày ấy. Nhưng nó quá cỡ so với bàn chân nhỏ bé của tôi.

Rồi tôi liên tưởng đến hình ảnh chú mèo đi hia khi đó. Có khi nào, đôi giày ấy với một thứ ma lực sẽ khiến tôi chạy nhanh hơn và nhảy cao hơn chẳng”, JSelect trích dẫn lại khởi đầu đến với bóng đá của .

Ông Troussier không nổi bật khi chơi bóng, nhưng là huấn luyện viên có tiếng của bóng đá Pháp. Ảnh: Jselect

Ông Troussier không nổi bật khi chơi bóng, nhưng là huấn luyện viên có tiếng của bóng đá Pháp. Ảnh: Jselect

Không có một trang sử lẫy lừng đối với ông trong giai đoạn quần đùi áo số. Con đường của Troussier khác hoàn toàn với Michel Platini - một người cũng sinh năm 1955 và trưởng thành tại Pháp như “phù thủy trắng”.

Năm 28 tuổi, Platini là thủ lĩnh của đội tuyển quốc gia Pháp, giành hàng tá danh hiệu từ tập thể cho đến cá nhân. Năm 28 tuổi, Troussier treo giày khi không có được tiếng vang như người bạn đồng hương, đồng niên và đồng nghiệp.

Nhưng Troussier vẫn có cách để đóng góp cho bóng đá Pháp. Sau khi giải nghệ, ông đi học các lớp đào tạo huấn luyện viên. Quyết định này mở ra cho ông một trang mới trong cuộc đời. Thậm chí, nó thành công đến mức mà chính nhà cầm quân này cũng chẳng thể hình dung ra nổi.

Hãy nói về Pháp, nơi kết thúc sự nghiệp bóng đá thất bại và khởi đầu cho một giai đoạn lẫy lừng trong vai trò một “ông giáo” của Troussier. Theo tư liệu của tờ L’equipe, sau khi có trong tay giấy phép huấn luyện vào năm 1983, ông Troussier đã đến Học viện bóng đá quốc gia Vichy. Khi đó, học viện này có một đội thi đấu ở giải hạng 3 nước Pháp, với mục đích duy trì cho các cầu thủ trẻ phát triển tài năng. Troussier cho rằng cần có một động lực lớn hơn cho đội bóng này, ngay cả khi việc thăng hạng hay xuống hạng là bất khả thi với INF Vichy thời điểm đó.

Không lâu sau khi Troussier hiện diện, INF Vichy giành ngôi á quân tại mùa giải 1983-1984. Cột mốc này mở đầu cho chương cầm quân và quản lý bóng đá của Troussier. Và kết quả này cũng trở thành nền tảng cho sự ra đời của học viện nổi tiếng nhất nước Pháp mang tên Clairefontaine vào năm 1988.

Clairefontaine là cái nôi tạo ra một thế hệ vàng cho bóng đá Pháp đương đại, với đỉnh cao là chức vô địch World Cup 1998, 2018 và ngôi Á quân thế giới sau đó 4 năm tại Qatar. Troussier đã đóng góp một cách gián tiếp như vậy, cho nền tảng thành công sau đó 10 năm, 20 năm và 30 năm của bóng đá đất nước lục lăng.

Sau khởi điểm thuận lợi ấy, Troussier bắt đầu cho hành trình phiêu lưu đến các đội bóng Pháp như US Alencon, Red Star 93 và Creteil. Nhưng như những tờ báo Pháp ví von, sự nghiệp của Troussier không cố định tại Pháp. Cá tính lớn, một cái tôi lớn xen lẫn chút lãng mạn và bay bổng, ham muốn khám phá theo chủ nghĩa xê dịch thôi thúc Troussier tới những miền đất mới, nơi có nền bóng đá thuộc diện chưa phát triển ở thời điểm cuối những năm 80 - đầu những năm 90 của thế kỷ XX.

Thay đổi cục diện bóng đá Bờ Biển Ngà

Hành trình đến những đất nước có nền bóng đá hướng lên sự phát triển của Philippe Troussier chứa đựng nhiều cột mốc lẫy lừng. Bờ Biển Ngà là điểm đến đầu tiên mà ông đặt chân tới sau khi rời Pháp. Khi ấy, bóng đá Bờ Biển Ngà chứng kiến Africa Sports chiếm thế độc tôn với 7 chức vô địch liên tiếp. ASEC Mimossas – đối thủ được xem là tiềm năng nhất Africa Sports luôn rơi vào cảnh cúi đầu sau những mùa giải.

Philippe Troussier đến và được tin tưởng lèo lái ASEC Mimossas, vào cuối năm 1989. Ngay lập tức, đội bóng này vô địch Bờ Biển Ngà trong 3 năm liên tiếp, phá vỡ cục diện của bóng đá quốc gia Châu Phi này lúc bấy giờ. Sau đó, ngay cả khi Troussier đến Nam Phi, ASEC Mimossas với tầm ảnh hưởng của vị huấn luyện viên người Pháp vẫn đủ “giương oai” thêm 2 mùa giải nữa, trong sự bất lực đến từ Africa Sports lúc bấy giờ.

Bờ Biển Ngà là khởi điểm đầu tiên trong một chương dài mang tên "Châu Phi của người lữ hành Troussier". Năm 1997, Troussier đưa Nigeria giành vé dự World Cup 1998. Có nghĩa rằng, Troussier có cơ hội trở lại Pháp, chủ nhà giải vô địch thế giới lúc bấy giờ. Vị huấn luyện viên này mơ về cơ hội được khẳng định bản thân tại mảnh đất quê hương.

Nhưng không! Troussier vỡ mộng! Liên đoàn bóng đá Nigeria đã "lật kèo" khi lựa chọn Bora Milutinovic, người có kinh nghiệm ở World Cup khi từng dẫn dắt Mexico (1986), Costa Rica (1990), Mỹ (1994) nhằm đảm bảo khả năng đi sâu ở World Cup. Chính điều này dẫn đến sự căm phẫn của Troussier.

Đến năm 2005, ông Troussier vốn dĩ đã ngồi vào bàn đàm phán với Liên đoàn bóng đá Nigeria. Nhưng đúng ở giờ chót, ông quyết định "hủy kèo" với lý do cần phẫu thuật đầu gối. Ngày bước vào màn đàm phán với Liên đoàn bóng đá Nigeria cũng là lúc Troussier bay sang Paris. Và đó xem như một màn trả hận của ông với “đại bàng xanh”, sau màn bội hứa 8 năm trước đó.

Thực tế trong 7 năm đó, Troussier vẫn thành công với các đội tuyển Châu Phi. Trong đó, ông còn cùng Nam Phi dự World Cup 1998 tại quê hương Pháp. Đáng nói hơn, bảng đấu của Nam Phi và Troussier có sự hiện diện của chính chủ nhà Pháp. Sau thất bại trước đội tuyển quê hương với tỉ số 0-3, Troussier đã giúp Nam Phi hòa Đan Mạch với hàng loạt ngôi sao như Peter Schmeichel, anh em Michael Laudrup và Brian Laudrup, Thomas Helveg,... trước khi hòa Saudi Arabia ở lượt cuối cùng và chia tay World Cup đầu tiên trong sự nghiệp huấn luyện của mình.

Người tạo nên vị thế bóng đá Nhật Bản

World Cup 1998 cũng là thời điểm mà Nhật Bản thua trắng 3 trận liền trước Argentina, Croatia và Jamaica. Kết quả ấy không tương xứng với tham vọng trở thành thế lực Châu Á của “Samurai xanh”. Cũng tại Pháp, đại diện Liên đoàn bóng đá Nhật Bản đã đề nghị Liên đoàn bóng đá Pháp tư vấn về một huấn luyện viên mới có thể nâng tầm thành tích của đội tuyển quốc gia mình. Arsene Wenger cũng được Liên đoàn bóng đá Nhật Bản xin tư vấn. Tất cả đều hướng về một đáp án, đó là Philippe Troussier.

Tháng 9.1998, Troussier trở thành huấn luyện viên trưởng tuyển Nhật Bản, cùng với U20 và Olympic Nhật Bản. Ông bắt đầu được giới truyền thông Nhật gọi với cái tên “Phù thủy trắng” khi giúp U20 Nhật Bản vào đến chung kết U20 World Cup 1999, đưa U23 Nhật Bản vào tứ kết Olympic 2000 trước khi tạo nên kỷ lục 21 bàn thắng sau 6 trận đấu và chức vô địch Asian Cup của đội tuyển Nhật Bản.

Ông Troussier thành công khi dẫn dắt các đội tuyển quốc gia Nhật Bản. Ảnh: Jselect

Ông Troussier thành công khi dẫn dắt các đội tuyển quốc gia Nhật Bản. Ảnh: Jselect

Troussier cùng tuyển Nhật Bản dự Confederations Cup. Họ tiến đến trận chung kết và chỉ chịu thua Pháp với tỉ số 0-1. Một lần nữa, Troussier lại thua Pháp. Nhưng so với màn so tài cách đó 3 năm, ông đã khiến đội tuyển quê hương phải nhìn mình với ánh mắt tôn trọng.

Trước khi chia tay Nhật Bản, Troussier giúp “Samurai xanh" vào đến vòng 1/8 World Cup 2002. Đó cũng là thành tích ấn tượng nhất trong lịch sử bóng đá Nhật Bản ở World Cup tính đến thời điểm ấy.

Ông Troussier được những chuyên gia Nhật Bản đánh giá là chuyên nghiệp, mẫn cán và nghiêm túc. Nhưng trong một bài viết mà JSelect từng trích dẫn từ một nguồn giấu tên, ông có những lúc la hét vì những chuyện vặt vãnh ảnh hưởng đến đội.

Quãng thời gian làm việc ở Nhật cũng từng chứng kiến mâu thuẫn giữa ông Troussier và quan chức câu lạc bộ, cầu thủ Nhật Bản vì một số lý do khác nhau. Trong phòng thay đồ, theo lời kể của Shinji Ono – cựu tuyển thủ quốc gia Nhật Bản, ông Troussier sẵn sàng la ó nếu như cầu thủ không đáp ứng được yêu cầu của mình. Sự hoài nghi và đảm bảo bí mật chuyên môn của Troussier lớn tới mức ông còn không tiết lộ đội hình chính cho đến trước thời điểm 1 tiếng trận đấu bắt đầu.

Có thể bạn quan tâm