Thời sự - Sự kiện

Philippines phản đối Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá ở Biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Báo Nikkei Asia của Manila hôm 27/5 dẫn công hàm của Bộ Ngoại giao Philippines bác bỏ lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục gia tăng trong khu vực giữa hai bên.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. Ảnh: AFP

Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. Ảnh: AFP

Theo đó, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Trung Quốc đã đơn phương thông báo cho Philippines về việc nước này áp đặt lệnh cấm đánh cá kéo dài đến ngày 16/9, và Manila đã gửi công hàm phản đối.

"Thông qua một công hàm ngoại giao, Philippines phản đối lệnh cấm với phạm vi bao trùm các vùng biển của Philippines mà Philippines có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán", Bộ Ngoại giao Philippines thông cáo.

Theo bộ này, lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc có phạm vi "bao gồm các khu vực Biển Đông từ vĩ tuyến 12 độ Bắc trở lên phía bắc".

"Philippines nhấn mạnh rằng việc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá tạm thời sẽ làm gia tăng căng thẳng ở vùng biển Tây Philippines và Biển Đông. Điều này đi ngược lại sự thống nhất giữa Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc giải quyết các khác biệt thông qua ngoại giao và đối thoại, và nhằm mục đích giảm leo thang tình hình trên biển", thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines nêu.

Biển Tây Philippines là tên Manila gọi phần Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Trung Quốc và Philippines đều là những bên có tranh chấp ở Biển Đông, trong đó Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đơn phương với hầu hết vùng biển này.

Liên quan, ngày 25/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cũng nhấn mạnh: “Lập trường của Việt Nam về lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông là nhất quán và đã được khẳng đinh rõ trong những năm qua.

Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt nam; không làm phức tạp thêm tình hình, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự ở khu vực Biển Đông".

Có thể bạn quan tâm