Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Philippines sẽ khởi kiện Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Philippines sẽ đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) liên quan các cáo buộc cho rằng các hoạt động của Bắc Kinh đã phá hoại môi trường ở biển Tây Philippines (cách Philippines gọi phần phía đông của Biển Đông).

Thông báo được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Cảnh sát biển Philippines (PCG) báo cáo thiệt hại nghiêm trọng do các hoạt động của Trung Quốc gây ra đối với môi trường biển ở rạn san hô Rozul và bãi cạn Escoda (còn gọi là Sa Bin, thuộc cụm Bình Nguyên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Philippines tuyên bố cả 2 khu vực trên thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Bộ trưởng Tư pháp Philippines Jesus Crispin Remulla cho biết: "Chúng tôi sẽ theo đuổi các vụ kiện chống lại Trung Quốc vì chúng tôi đã có rất nhiều bằng chứng".

Tổng luật sư Menardo Guevarra xác nhận kế hoạch đệ đơn tố cáo Trung Quốc lên PCA.

Tàu cá Trung Quốc tại đá Khúc Giác vào tháng 9. LỰC LƯỢNG VŨ TRANG PHILIPPINES

Tàu cá Trung Quốc tại đá Khúc Giác vào tháng 9. LỰC LƯỢNG VŨ TRANG PHILIPPINES

Trong khi cho biết các cuộc thảo luận về vấn đề này đang diễn ra, phía Manila khẳng định việc nộp đơn khiếu nại không liên quan tranh chấp lãnh thổ của Philippines với Trung Quốc. Thay vào đó, quyết định kiện là nhằm bảo vệ môi trường.

Ông Remulla cho biết chính phủ Philippines đã thu thập bằng chứng về các hoạt động được cho là phá hoại của Trung Quốc tại biển Tây Philippines trong nhiều năm.

PCG đã tiến hành các cuộc khảo sát dưới nước sâu rộng về đáy biển ở rạn san hô Rozul và bãi cạn Escoda, tiết lộ rằng hệ sinh thái biển "có vẻ không có sự sống, có rất ít hoặc không có dấu hiệu của sự sống".

Thiếu tướng hải quân Jay Tarriela, người phát ngôn của PCG Commo nói: "Việc tiếp tục mở rộng các hoạt động đánh bắt trái phép và mang tính hủy diệt bừa bãi của Dân quân Hàng hải Trung Quốc tại Rạn san hô Rozul và Bãi cạn Escoda có thể đã trực tiếp gây ra sự suy thoái và tàn phá môi trường biển tại các thực thể WPS".

Trước đó, một phần trong phán quyết ngày 12.7.2016 của Tòa Trọng tài về các vấn đề môi trường liên quan đến Trung Quốc ở Biển Đông có nội dung: "Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường rạn san hô".

Tòa đặc biệt đề cập đến hoạt động cải tạo đất và xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tòa phán quyết rằng khi thực hiện các hoạt động như vậy, Trung Quốc đã "vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái mỏng manh cũng như môi trường sống của các loài bị cạn kiệt, bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng" và "gây ra tác hại không thể khắc phục được đối với môi trường biển".

Tòa cũng xác định rằng chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hoạt động săn trộm dẫn đến sự tàn phá các rạn san hô. Họ cho biết họ đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp các nghiên cứu đánh giá môi trường, theo yêu cầu của Điều 206 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Vì từ chối tham gia tố tụng trọng tài và không công nhận tính hợp pháp của phán quyết của Tòa nên Trung Quốc đã không tuân thủ.

Ngoài ra, trong một cuộc tuần tra gần đây ở đá Khúc Giác thuộc cụm Bình Nguyên, Không quân Philippines (AFP) đã phát hiện ra điều mà họ tin là bằng chứng về sự phá hủy san hô "quy mô lớn" của các tàu đánh cá Trung Quốc. Các con thuyền này đã bỏ chạy khi lực lượng Philippines đến.

"Khi họ rời đi, chúng tôi cử thợ lặn đi khảo sát dưới nước và. . . chúng tôi thấy rằng không còn san hô nữa. San hô đã bị phá hủy", tờ The Maritime Executive dẫn lời Phó Đô đốc Alberto Carlos, người đứng đầu Bộ Tư lệnh phía Tây của AFP.

Có thể bạn quan tâm