Năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, ở Gia Lai, ngành Thông tin-Văn hóa tiếp quản rạp chiếu bóng tư nhân Diệp Kính (ở ngã ba đường Hùng Vương và Lê Lợi, TP. Pleiku ngày nay).
Ở thời điểm đó, rạp Diệp Kính được xây dựng theo quy trình hiện đại, hoàn chỉnh, gồm 1 bộ máy chiếu đèn than 35 ly, hệ thống âm thanh ánh sáng, máy điều hòa nhiệt độ… với trên 800 ghế. Tháng 4-1975, rạp Diệp Kính được đổi tên là rạp Nhân Dân.
Những ngày qua, phim “Mai”, rồi tiếp theo là “Đào, phở và piano” khiến nhiều người “ăn không ngon, ngủ không yên”, nếu chưa xem thì cảm thấy thiêu thiếu chất gì đấy… (ảnh minh họa) |
Ngoài rạp chiếu bóng Nhân Dân là rạp quốc doanh, toàn tỉnh còn có 5 rạp tư nhân gồm: rạp Thăng Long (69 Hùng Vương ngày nay); rạp Diên Hồng (của ông Hoàng Anh Tuấn kinh doanh, Nhà nước mua lại, sau đổi tên thành rạp Thống Nhất, rồi Khách sạn Tre Xanh); rạp Hòa Bình (thị xã Kon Tum, sau đổi thành rạp 17-3); rạp Trần Hưng Đạo (ở Ayun Pa) và rạp Quang Trung (ở An Khê).
Vào những dịp lễ kỷ niệm như: Ngày Quốc tế Lao động (1-5), sinh nhật Bác (19-5), Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2-9)... các rạp thường tổ chức những tuần lễ phim, tháng phim sôi nổi.
Trước giải phóng, các rạp ở Gia Lai-Kon Tum thường chiếu các phim kiếm hiệp như: Khương Đại Vệ, Lý Tiểu Long… nên những phim do các hãng phim Việt Nam thực hiện sau giải phóng như thổi vào đời sống xã hội một luồng gió mới.
Năm 1976-1977, những buổi chiếu phim “Cô Nhíp” của đạo diễn Khương Mễ; “Ngày lễ thánh” do Bạch Diệp biên kịch và đạo diễn với các diễn viên Trà Giang, Như Quỳnh, Tuệ Minh, Trần Phương; tiếp đến là “Mùa gió chướng” (1978), “Mẹ vắng nhà” (1979); “Sao tháng tám” (1980) của đạo diễn Trần Đắc, diễn viên Thanh Tú, Đức Hoàn, Lê Dũng Nhi; “Rừng xà nu”; “Kỷ niệm vùng ven”, “Chị Tư Hậu”, “Người con gái đất đỏ”, “Chuyến xe từ phương Nam”… các rạp luôn kín chỗ.
Người dân Pleiku chắc không thể quên được cảnh phải khó nhọc như thế nào để có vé vào xem “Mối tình đầu” (1977), “Cánh đồng hoang”, “Mùa gió chướng” (1978)… “Mối tình đầu” là phim của đạo diễn Hải Ninh, lấy bối cảnh Sài Gòn trước năm 1975, kể về mối tình đầu của chàng sinh viên Ba Duy với cô gái Diễm Hương. Nhưng cuộc tình đổ vỡ khi Diễm Hương buộc phải lấy một cố vấn Mỹ để cứu cha. Ba Duy bỏ học do thất tình và lao vào con đường nghiện ngập... Bộ phim có sự góp mặt của dàn diễn viên điện ảnh nổi tiếng lúc đó như: Thế Anh, Như Quỳnh, Trà Giang…
Các phim “Mùa gió chướng”, “Cánh đồng hoang” của đạo diễn Hồng Sến và nhà biên kịch Nguyễn Quang Sáng với sự tham gia của các diễn viên Lý Huỳnh, Thúy An, Lâm Tới... đã làm nên những “cơn sốt” vé chưa từng có cho đến lúc ấy.
Năm 1985, bằng nguồn vốn tự có, các rạp Nhân Dân, Thống Nhất đã mua sắm thêm trang-thiết bị, sửa chữa lại khang trang hơn. Rạp Nhân Dân mua thêm 1 bộ máy chiếu 35 ly, trang bị thêm 1 máy chiếu video 300 inch. Lúc đó như vậy đã là hoành tráng. Mặt tiền của rạp cũng được trang trí bằng một hệ thống quảng cáo gồm các pa nô, áp phích màu sắc sặc sỡ, minh họa chương trình phim mới hấp dẫn, đẹp mắt.
Hình ảnh các diễn viên nổi tiếng thời ấy như: Chánh Tín, Thương Tín, Lê Công Tuấn Anh, Diễm Hương, Lê Vân, Lý Hùng… có sức hút lạ lùng với người xem. Các phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” (1984), “Ván bài lật ngửa” (1985), “Biệt động Sài Gòn” (1986)… cực kỳ ăn khách.
Khi có phim hay, các rạp đều tăng suất chiếu. Rạp Nhân Dân do có nhiều lợi thế nên thường xuyên vượt kế hoạch về số buổi chiếu so với số lượng được giao. Những đợt có phim hay hoặc vào dịp Tết, có ngày rạp này chiếu tới 7 suất. Ngày lễ thường chiếu 6 suất, bình thường là 3-4 suất/ngày.
Cái lạ của thời ấy là dù đói thế, nghèo thế mà rất nhiều người có sự quan tâm đặc biệt đối với các món ăn tinh thần như: xem phim, xem nghệ thuật biểu diễn, mua sách…
Chả thế mà mỗi khi nghe tin có sách hay mới ra, các công chức, viên chức, nhất là những người còn độc thân, dù đồng lương “bèo bọt” nhưng lại sẵn sàng vét đến xu cuối cùng đi mua sách, thỏa mãn với sách, rồi đến mai mới “đắng cay” khi chẳng biết lấy gì mà đi chợ nữa đây.
Giờ mọi người đi xem “Mai”, xem “Đào, phở và piano”, dù có đông, có thể không mua được vé nhưng không có cảnh chen lấn như thời ấy. Tôi còn nhớ, không ít lần xếp hàng mua vé xem phim ở rạp Nhân Dân, lúc vào quầy vé thì đầu tóc áo quần tươm tất, mà lúc ra thì cái mớ tóc quăn tự nhiên của tôi nó rối tung lên, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, áo xống xộc xệch.
Có lúc xếp hàng gần đến nơi, dù trước phòng vé có những lan can sắt cao đến ngang ngực để người có nhu cầu mua vé chỉ có thể xếp hàng một, nhưng bỗng từ đâu, dăm ba thanh niên trèo qua lan can, “nhảy dù” xuống trước mặt mình.
Trưởng rạp Nhân Dân thời ấy còn cho tôi biết thêm: Năm 1977, khi chen lấn mua vé xem phim “Mối tình đầu”, một cụ bà hơn 70 tuổi bị ngợp phải đưa đi cấp cứu.
Nhiều chuyện giờ nghe lạ lắm, nhưng trong quá khứ nó đã diễn ra. Chuyện của mỗi thời đều có những dở, hay riêng. Chỉ nhìn lại mỗi chuyện xem phim thôi cũng đã thấy những yếu tố của văn minh ngày càng “phủ sóng” nơi Phố núi, văn hóa xếp hàng đã từng bước in vào ý thức người dân.