Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng: Cần phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 21-7, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020. Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị chủ trì cuộc họp.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, UBND tỉnh và 17 huyện, thị xã, thành phố đã điều chuyển 35,8 tỷ đồng sang Ngân hàng CSXH. Đối với Ngân hàng CSXH tỉnh, tổng nguồn vốn đến cuối tháng 6-2020 đạt 4.821 tỷ đồng, tăng 230 tỷ đồng so với đầu năm. Doanh số cho vay đạt 1.184 tỷ đồng với 30.655 lượt khách hàng, bằng 108% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh số thu nợ đạt 877,6 tỷ đồng, bằng 112% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng dư nợ đạt 4.811 tỷ đồng, tăng 226,4 tỷ đồng so với đầu năm.
Theo đánh giá từ phía Ngân hàng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình hình giá cả nông sản xuống thấp, hoạt động tín dụng chính sách gặp khó khăn về nguồn vốn địa phương ủy thác, nợ khoanh và nợ quá hạn có xu hướng tăng do hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn, một số hộ vay bỏ đi làm ăn xa, khó thu hồi lãi và gốc; một số chương trình tín dụng triển khai chậm do các đối tượng vay vốn không còn nhu cầu.
Ảnh: Sơn Ca
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Sơn Ca
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng ghi nhận những nỗ lực của Ngân hàng CSXH trong việc đảm bảo các chỉ tiêu kế hoạch, có sự tăng trưởng so với cùng kỳ.
Trong những tháng còn lại của năm 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các thành viên Ban Đại diện, Ngân hàng CSXH tập trung tranh thủ nguồn vốn Trung ương và địa phương, phấn đấu tăng trưởng dư nợ năm 2020 từ 8% trở lên. Điều hành linh hoạt giữa 3 nguồn vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để cho vay, không để tồn đọng, lãng phí vốn.
Đối với Ngân hàng CSXH tỉnh cần chủ động trong việc củng cố, kiện toàn thành viên Ban Đại diện các cấp và tổ chức bộ máy ở cơ sở để đảm bảo hoạt động thông suốt. Có giải pháp thu hồi, xử lý nếu tỷ lệ nợ xấu tăng; chủ động đôn đốc, khơi thông nguồn lực; phát huy hiệu quả, vai trò nguồn vốn tín dụng chính sách.
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm